5 dự án BOT trên đường hiện hữu: Sát thực tế, đúng nhu cầu!
Ðây là 5 dự án không chỉ giúp tăng năng lực giao thông cho các cửa ngõ TP HCM, mà còn tạo ra vành đai kết nối hữu hiệu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Năm dự án nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) vừa được HÐND TP HCM thông qua nghị quyết như minh chứng cho "trái ngọt đầu mùa" hiện thực hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, được cả người dân và chủ đầu tư mong chờ.
Quốc lộ 1, đoạn từ Kinh Dương Vương đến giáp tỉnh Long An, thường xuyên ùn ứ giao thông những ngày lễ, Tết . Ảnh: THU HỒNG
Trái ngọt đầu mùa
Trước tiên phải khẳng định đó là 5 dự án không xa lạ, bởi những dự án này được người dân TP HCM trông đợi từ lâu. Bằng chứng là vừa gặp chúng tôi, bà Trần Thúy Linh, nhà mặt tiền Quốc lộ 22 (đoạn giao Quốc lộ 22 - Nguyễn Ảnh Thủ), đã không giấu được vui mừng khi hay tin dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) được áp dụng hợp đồng BOT. Bà Linh nói vậy là sự chờ đợi của bà và hàng trăm hộ dân trong khu vực đã có kết quả. "Việc áp dụng BOT chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án" - bà Linh tin tưởng.
Bà Linh là một trong những hộ dân trông mong từng ngày dự án nâng cấp, mở rộng đoạn Quốc lộ 22 đi ngang nhà mình thành hình, bởi theo bà, nếu mỗi ngày phải chứng kiến cảnh ùn ứ giao thông làm đảo lộn đi lại, làm ăn nên không riêng bà mà ai cũng ngao ngán. "Khói bụi, tiếng còi xe, tiếng máy xe nổ ì ầm suốt ngày khiến tôi rất mệt mỏi vì ô nhiễm. Chưa kể đi lại khó khăn, làm ăn ế ẩm" - bà Linh chia sẻ về nỗi khổ của bản thân.
Dù không phải là chủ nhà nhưng bà Trần Thanh Xuân, thuê nhà kinh doanh đồ gia dụng trên Quốc lộ 1 (thuộc huyện Bình Chánh), cũng vui mừng không kém khi hay dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) được thực hiện theo hình thức BOT. "Tôi thuê mặt bằng ở đây gần 5 năm, công việc buôn bán ổn định, mong muốn gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, gia đình tôi mỗi ngày đưa đón con đi học 2 bận, rất ám ảnh về va chạm, tai nạn trên đoạn đường này, nhất là những ngày lễ, Tết, xe cộ nối đuôi về quê. Tôi tin việc mở rộng đường sẽ giúp hạn chế được tai nạn và ùn ứ giao thông khu vực này, tạo điều kiện tốt hơn trong đi lại, sinh kế cho người dân, nhất là người dân hai bên đường" - bà Xuân bày tỏ.
Ngoài niềm vui dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu rạch Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương) thêm nhiều cơ hội đẩy nhanh khi áp dụng hợp đồng BOT, người dân còn bày tỏ mong muốn khi dự án hoàn thành nhà đầu tư ưu đãi tối đa mức phí hoặc miễn giảm cho người dân trong khu vực.
Hòa chung sự phấn khởi, bà Nguyễn Thị Nên (70 tuổi, nhà trên đường Cây Sung, quận 8 - nhân vật từng được chúng tôi nhắc đến trong bài viết về dự án cầu đường Bình Tiên, nối quận 6 và quận 8 hồi đầu tháng 8 vừa qua), cho rằng dự án ngưng trệ quá lâu khiến người dân sống trong tình cảnh "đi không được, ở không xong". Nay thành phố đã quyết định làm tiếp theo hình thức BOT thì ai cũng tin là đã tìm được lối ra cho bản thân và gia đình. "Giờ chỉ mong chính sách đền bù thỏa đáng để người dân an tâm sinh sống. Như vậy thì niềm vui sẽ nhân đôi" - bà Nên mong muốn.
Chia sẻ về 5 dự án vừa được HÐND TP thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư theo hình thức BOT, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, chủ đầu tư các dự án trên - cho rằng cá nhân ông cũng thấy vui. Ông cho rằng đây là "quả ngọt đầu mùa" của ngành giao thông khi TP HCM hiện thực hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.
Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Cầu đường Bình Tiên mong mỏi dự án tiếp tục triển khai vì nhà cửa đã xuống cấp. Ảnh: ÁI MY
5 tiêu chí ưu tiên
"Cả 5 dự án đều là những công trình cấp thiết, tinh thần là triển khai đồng bộ trong thời gian thực hiện Nghị quyết 98. Khi hoàn thành, 5 công trình không chỉ giúp tăng năng lực giao thông cho khu vực và các cửa ngõ kết nối TP HCM với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, khu vực ÐBSCL, mà còn kết nối với Vành đai 3, Vành đai 4 tạo thành hệ thống đường vành đai liên kết các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, hệ thống các cảng biển… Từ kết nối giao thông sẽ mở ra hàng loạt cánh cửa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phân bố dân cư đô thị, cơ cấu lại các ngành nghề kinh tế cho từng địa phương…" - ông Phúc kỳ vọng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Trần Quang Lâm cho biết TP HCM có 107 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai theo cơ chế mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ áp dụng thí điểm trong 5 năm nên các dự án thực sự quan trọng, cấp bách, có tính tác động lớn mới được đề xuất ưu tiên triển khai trước. Nói về lý do ưu tiên triển khai 5 dự án đầu tiên kể trên, Sở Giao thông Vận tải cho hay dựa theo 5 tiêu chí. Ðó là tính chất và vai trò của các tuyến đường; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; đánh giá sơ bộ tính khả thi về phương án tài chính của dự án; khả năng huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vào dự án; khả năng cân đối vốn ngân sách tham gia dự án.
Theo ông Trần Quang Lâm, ngay sau khi được HÐND TP HCM thông qua, ngành giao thông sẽ tập trung đầu tư các dự án trên. Ðồng thời, đề xuất HÐND thành phố thống nhất bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (dự kiến 8.360 tỉ đồng) và kế hoạch đầu tư công năm 2024 để thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án này. Trong đó, Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, bao gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi...
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết việc áp dụng hợp đồng BOT có thể giải quyết được yêu cầu về vốn đầu tư trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công (ngân sách TP HCM hiện chỉ đáp ứng 28% nhu cầu đầu tư của ngành giao thông). Tuy nhiên, để hạn chế việc đầu tư dàn trải, ảnh hưởng đến chi phí xã hội của người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng cơ sở lựa chọn và đề xuất danh mục dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu để trình HÐND TP xem xét, ban hành theo Nghị quyết 98 để người dân giám sát là rất cần thiết.
Nhà đầu tư được tham gia bao nhiêu %?
Theo Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, tổng mức đầu tư 5 dự án BOT trên đường hiện hữu kể trên là hơn 40.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023-2028.
Trong 5 dự án này, có 4 dự án nhà đầu tư sẽ tham gia khoảng 50% tổng mức đầu tư. Cụ thể, ở dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu rạch Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương dài 5,9 km), quốc lộ này được mở rộng lên 53-60 m, tổng kinh phí gần 10.000 tỉ đồng; ở dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An, dài 9,6 km), quốc lộ này sẽ được mở rộng lên 52-60 m, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỉ đồng; ở dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3, dài 9,1 km), quốc lộ này sẽ mở rộng lên 60 m, tổng mức đầu tư hơn 7.100 tỉ đồng; ở dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài 8 km), đường trục này sẽ được mở rộng 60 m, tổng mức đầu tư là 4.500 tỉ đồng.
Riêng xây dựng cầu đường Bình Tiên dài 3,2 km, rộng 30-40 m, tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng, ngân sách tham gia với tỉ lệ 54%, phần còn lại là vốn doanh nghiệp.