A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ "điểm sáng" dân vận khéo TP Hà Nội

Bằng những mô hình cụ thể, thiết thực, phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Hà Nội đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của nhiều địa phương.

Vận động hòa giải cơ sở, gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng

Là địa bàn chật hẹp, dân số đông và quá trình đô thị hóa nhanh đã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của phường Bưởi, quận Tây Hồ, trong đó có công tác quản lý và sử dụng đất đô thị.

Những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư là không thể tránh khỏi. Trước năm 2022, qua rà soát, đã có 90% nội dung tồn tại trên địa bàn thuộc lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Trong đó có 1 nội dung tranh chấp trên 20 năm thuộc diện theo dõi trong Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy; 7 di tích trên địa bàn có một phần diện tích bị lấn chiếm kinh doanh bán hàng; 8 trường hợp lấn chiếm diện tích còn lại sau giải phóng mặt bằng các dự án kéo dài trên 10 năm…

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi chia sẻ: Xác định những tranh chấp liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng đô thị, nếu không được giải quyết kịp thời, dứt điểm sẽ tiềm ẩn nguy cơ xung đột, phát sinh hình thành “điểm nóng”, năm 2022, Đảng ủy phường Bưởi đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để vận động hòa giải ở cơ sở.

“Để có sức lan tỏa mạnh mẽ và tạo tiền đề thuận lợi cho các vụ việc về sau, tôi tham mưu cho Đảng ủy, tập trung giải quyết tranh chấp giữa hai gia đình tồn tại kéo dài trên 20 năm thuộc diện theo dõi theo Nghị quyết số 15-NQ/TU. Đây là vụ việc tranh chấp; thực tế việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn về tranh chấp ngày càng đẩy lên cao trào và diễn biến phức tạp...”, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết.

Hiệu quả từ

Các cá nhân tiêu biểu của TP Hà Nội đón nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận

Trước tình hình đó, Đảng ủy phường Bưởi đã quyết định thành lập Tổ tuyên truyền, vận động, hòa giải tranh chấp; đồng thời bố trí thành viên trong tổ là cán bộ địa bàn dân cư thường xuyên qua gặp gỡ, thăm hỏi và nắm bắt tình hình của từng bên, từ đó, dần tạo mối quan hệ để tiếp xúc trực tiếp.

Thời gian, địa điểm tổ chức gặp gỡ giữa các bên được thực hiện linh hoạt cả trong và ngoài giờ hành chính, thành phần tham gia của Tổ được bố trí từ 2 - 3 người mỗi lần, nhằm tạo cơ hội để các bên tranh chấp được trình bày nguyện vọng cũng như tập trung lắng nghe các ý kiến phân tích của Tổ tuyên truyền đưa ra được trọn vẹn.

Nhờ vậy, vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai kéo dài hơn 20 năm của hai gia đình đã được hòa giải thành công; tạo động lực để phường tiếp tục giải quyết thành công lần lượt các nội dung khó khăn, tồn tại mà cử tri trên địa bàn phản ánh nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.

Tại quận Thanh Xuân, giải phóng mặt bằng mở rộng phố Nguyễn Tuân cũng một thời gian dài gặp nhiều khó khăn. Giữa tháng 10/2024, sau khi được vận động, thuyết phục, hai hộ cuối cùng nằm trong kế hoạch cưỡng chế giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố này đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, bằng sự kiên trì, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, các tổ công tác của phường đã đến từng gia đình, gặp gỡ trực tiếp để tuyên truyền, vận động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe kiến nghị của các hộ gia đình, đề xuất hướng giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Nhờ đó, dự án đã nhận được đồng thuận cao, triển khai theo đúng kế hoạch.

Công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án tại Hà Nội thời gian qua cũng tạo được chuyển biến nhờ làm tốt công tác dân vận. Mới đây, dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi sau nhiều năm bị tắc cũng đã bàn giao được toàn bộ mặt bằng sau quá trình tuyên truyền, vận động đồng bộ, kiên trì từ huyện đến cơ sở. Mặc dù vậy, TP còn rất nhiều dự án ì ạch vì vướng mắc giải phóng mặt bằng, trong đó có những dự án trọng điểm như dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; tuyến đường nối đại lộ Thăng Long đến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình…

Hiệu quả từ

Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn thăm tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp do cán bộ và Nhân dân xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm chung tay thực hiện

Trước tình hình này, ngày 28/11/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội, nhằm bảo đảm thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Chỉ thị nêu rõ: “Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong cung cấp thông tin liên quan và thực hiện công tác dân vận đối với việc lập và triển khai quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ nơi phát sinh, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”; nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình trong vận động nhân dân tham gia ý kiến xây dựng, thực hiện quy hoạch, đồng thuận bàn giao mặt bằng triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh dân vận trên mọi “mặt trận”

Trong những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” của TP Hà Nội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, của các địa phương, cơ quan, đơn vị; trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự tham gia bằng tinh thần tự nguyện, tự giác của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.

Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm TP có hơn 10.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện trên bốn lĩnh vực: Xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và được đăng ký triển khai tại ba cấp: Cấp cơ sở; cấp Quận, Huyện, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp TP.

Hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng và nhân rộng, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hiệu quả từ

Dân vận khéo giúp ngăn phát sinh điểm nóng tại cơ sở

Tại quận Hoàng Mai, chỉ trong giai đoạn 2018 - 2023, đã xây dựng được 1.431 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện có nền nếp. 100% số phường trên địa bàn quận đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền phường với Nhân dân, qua đó đã tạo môi trường dân chủ, cởi mở.

Trong khi đó, Ban Dân vận Thị ủy Sơn Tây và Ban Chỉ huy quân sự thị xã xây dựng kế hoạch phối hợp, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện phong trào này, lực lượng quân đội và Nhân dân các xã, phường tham gia đổ hơn 1.000m2 bê tông đường giao thông nông thôn; tu sửa 45km đường làng ngõ xóm liên thôn; khơi thông 11km cống rãnh, xây 340m mương thoát nước thủy lợi nội đồng...

Tại huyện Đông Anh, phong trào thi đua "Dân vận khéo" được triển khai có hiệu quả thể hiện rõ nét qua 3 giai đoạn phát triển của huyện: Xây dựng Nông thôn mới (2010 - 2016); phòng chống dịch bệnh COVID-19 (2019 - 2022); xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng huyện thành quận, xã thành phường (2022 - 2024).

Đặc biệt, xác định việc xây dựng huyện thành quận, các xã thành phường là một quá trình lâu dài bởi nguồn lực đầu tư là rất lớn, huyện đã chủ động việc xây dựng đề án tổng thể và các đề án thành phần. Mở đầu là đề án chiếu sáng, kè ao hồ, trồng cây xanh với nhiều mô hình "Dân vận khéo" được triển khai hiệu quả...

Nhìn lại thời gian qua, càng trong thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và những hoàn cảnh cam go, thử thách như: Thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” của TP Hà Nội càng được đẩy mạnh. Nhờ đó, Hà Nội tiếp tục trở thành một “điểm sáng nổi bật” trong công tác dân vận của cả nước. Cũng qua đây, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội đã được nhân lên bằng những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tự nguyện; huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật