Vụ giả bác sĩ vào khu điều trị F0: Bác sĩ thật kể tình tiết bắt đầu nghi ngờ Khiêm
Một bác sĩ từng làm việc cùng với Khiêm tại khu cách ly kể trên Tuổi trẻ online, Khiêm làm từ đầu mùa đến cuối mùa dịch và cũng có thể coi như quản lý của khu cách ly này.
Nguyễn Quốc Khiêm bị "lộ" sau vài tháng?
Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1996, ở phường Đông Hải, TP Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) có tên trong danh sách 8 tình nguyện viên của Trường ĐH Y dược TP.HCM tham gia hỗ trợ tại điểm Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM (tại quận 12 TP.HCM) từ tháng 7/2021.
Đáng nói, Khiêm không phải sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Tờ Thanh niên online dẫn báo cáo của PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đầu tháng 7/2021, UBND quận 12 có công văn đề nghị trường hỗ trợ tình nguyện viên gồm 10 sinh viên hỗ trợ Khu cách ly của quận tại Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM.
Thông báo được các đội trưởng thông báo trong nhóm zalo của trường, kết quả có 8 người được chọn (gồm 6 sinh viên tuyển qua form đăng ký và 2 sinh viên tuyển trực tiếp).
Nguyễn Quốc Khiêm có tên trong những người được chọn, Khiêm tự nhận là sinh viên khoa Y của trường.
Từ thời điểm đầu tháng 10/2021, nhân viên của Trung tâm y tế quận 12 đã gọi điện cho đội trưởng của đội để xác minh về tình nguyện viên Nguyễn Quốc Khiêm. Trường ĐH Y Dược TP.HCM xác minh và khẳng định Khiêm không phải là bác sĩ, thẻ sinh viên mà Nguyễn Quốc Khiêm sử dụng cũng là giả mạo .
Phía nhà trường nhận thấy đã thiếu sót trong việc xác minh tình nguyện viên, không lường trước về vấn đề có trường hợp giả danh sinh viên để tham gia, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm về sự việc.
Như vậy, 3 tháng sau khi Khiêm tham gia tại khu cách ly, việc nam thanh niên này giả mạo sinh viên trường Y đã vỡ lở.
Một bác sĩ từng làm việc cùng với Khiêm tại khu cách ly kể trên Tuổi trẻ online, khu cách ly ban đầu chỉ có 2 bác sĩ và 9 dân quân, sau có 6 sinh viên được điều đến hỗ trợ trong đó Nguyễn Quốc Khiêm xưng là bác sĩ. Người này nói rằng, Khiêm làm từ đầu mùa đến cuối mùa dịch, cũng có thể coi như quản lý của khu cách ly.
"Dù chuyên môn vậy nhưng cách lấy mẫu của Khiêm lại không đúng kỹ thuật. Có lần tôi hỏi Khiêm có cấp phát thuốc kháng virus cho bệnh nhân không nhưng Khiêm nói không biết các loại thuốc đó. Tôi đã bắt đầu nghi Khiêm không phải là bác sĩ.
(...) Khiêm hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện tâm lý bất thường", PV Thu Hiến/Tuổi trẻ online dẫn lời bác sĩ từng làm chung khu cách ly với Khiêm.
Công việc Khiêm làm trong khu cách ly là gì?
Theo thông báo chính thức từ Sở Y tế TP.HCM, Trường ĐH Y dược TP.HCM khi tuyển được 8 tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch đã có văn bản cử những em này tham gia tại khu cách ly Trường CĐ Điện lực TP, gửi Sở Y tế TP và UBND quận 12. Khiêm có tên trong số này.
Khiêm cũng là 1 trong 346 sinh viên, học viên mang danh nghĩa của Trường ĐH Y dược TP.HCM được Sở Y tế TP ra quyết định tiếp nhận phân công về các khu cách ly, điều trị các ca bệnh liên quan đến Covid-19.
Nguyễn Quốc Khiêm được Trung tâm Y tế quận 12 phân công làm nhiệm vụ nhận bệnh và hậu cần ở Trường CĐ Điện lực TP.HCM.
Còn bác sĩ Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12 thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, trong danh sách Trường Đại học Y Dược giới thiệu xuống thì Khiêm là sinh viên tình nguyện. Đáng nói, khi nhân viên xuống nắm tình hình thì Nguyễn Quốc Khiêm tự xưng là bác sĩ và đưa ra các giấy khen.
"Trong quá trình làm việc, các bác sĩ đều không ai phát hiện. Một bác sĩ ở Bình Định tăng cường vào được bố trí vào khu cách ly này cũng không phát hiện", ông Tuyến nói với nguồn trên.
Bác sĩ Tuyến kể với tờ Pháp luật TP.HCM, tại khu cách ly, Khiêm biết tháo lắp, kiểm tra và sử dụng máy móc, thiết bị. Đây là máy giúp thở chứ không phải bác sĩ thay mặt trung tâm ký tên. "Chỉ cần biết giúp thở để người dân khó thở thì đưa cho thở", ông nêu và nhắc lại việc có nhiều bác sĩ làm việc chung với Khiêm nhưng không phát hiện ra Khiêm giả bác sĩ.
Vị này nói, khi đó Khiêm đưa ra các bằng khen nên được đánh giá cao. Ông không nắm được việc Khiêm có kêu gọi từ thiện hay ra đơn thuốc hay không.
Ông thông tin, đầu tháng 10/2021, Khiêm xin ngưng nhiệm vụ với lý do về trường dạy online, sau đó đơn vị mới biết sự thật Khiêm không phải bác sĩ.
Được biết, ngoài giả mạo sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, Khiêm còn có giấy khen giả mạo mang tên Nguyễn Quốc Khiêm - Thạc sĩ, bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Giấy khen giả mạo mang tên Nguyễn Quốc Khiêm. Ảnh: báo Công an nhân dân
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định với báo Người lao động, viện không có nhân sự nào tên Nguyễn Quốc Khiêm. Tất cả các thông tin, hình ảnh trên giấy khen đều là giả mạo. "Nhìn vào có thể thấy không có logo trên góc giấy khen", vị này nói.
Ghi nhận của báo Pháp luật TP.HCM cho hay, trong thời gian làm việc tại khu cách ly điều trị F0, Khiêm còn ký nhiều văn bản, giấy tờ quan trọng như: báo cáo ca bệnh tử vong, giấy chuyển tuyến điều trị ca F0, với chức danh là BS điều trị - Ths.BS Nguyễn Quốc Khiêm. Khiêm còn tham gia ký phiếu kê khai danh mục thuốc để người nhà bệnh nhân thanh toán trong khu điều trị F0 tại Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM.
"Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khu cách ly điều trị F0 giải thể, Quốc Khiêm đã "khoe" giấy khen được tặng vì "Đã có thành tích đột xuất phát hiện, hỗ trợ cấp cứu và điều trị cứu sống bệnh nhân đang trong tình trạng tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy"', tờ Công an nhân dân thuật lại.