A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm nhiều cá nhân trình báo là bị hại vụ lừa đảo tại Công ty Alibaba

Sau khi TAND TP.HCM phát thông báo tiếp nhận trình báo, có 34 cá nhân cho biết là bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba.

Ngày 9/8, TAND TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba cho VKSND TP.HCM đề nghị điều tra bổ sung. Theo quyết định này, kể từ khi phát thông báo hạn cuối tiếp nhận trình báo của các bị hại trong vụ án này là ngày 31/8, đến nay có 34 cá nhân đến tòa trình báo là bị hại trong vụ án. Từ đó, tòa đề nghị VKS bổ sung danh sách những bị hại này và số tiền chiếm đoạt của từng người.

Ngoài ra, tòa đề nghị VKS xác định lại số lượng bị hại có thể không phải 4.316 người (con số cáo trạng xác định) và thiệt hại của vụ án cũng có thể nhiều hơn 2.264 tỷ đồng. Đồng thời, tòa đề nghị VKS xác định lại các vấn đề như: Kết luận điều tra có sự trùng lặp bị hại không; có bỏ sót bị hại không; một số bị hại không xác định cụ thể là bị hại của dự án nào... Tòa cũng yêu cầu VKS làm rõ tư cách tố tụng của các trường hợp nhiều cá nhân đứng tên trên cùng một hợp đồng chuyên nhượng quyền sử dụng đất.

Sai pham tai dia oc Alibaba,  TP Ho Chi Minh,  Duong Quynh Trang anh 1

Cảnh sát đọc lệnh bắt Nguyễn Thái Luyện hồi tháng 10/2019. Ảnh: CTV.

Trước đó vào tháng 3/2022, sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKSND TP.HCM đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị can Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố tội Rửa tiền

Cáo trạng thể hiện, Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 "dự án ma". Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa 4.316 người với số tiền chiếm đoạt là 2.264 tỷ đồng.

Trước đó, TAND TP.HCM dự kiến đưa vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba ra xét xử từ ngày 12/8 đến ngày 12/10.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan