Doanh nghiệp tự quyết, tự chịu trách nhiệm việc vay vốn, trả nợ
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, trả nợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 17.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo đã giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Đồng thời, minh bạch hơn hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình về hoạt động của doanh nghiệp.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật số 69 về phạm vi đầu tư vốn vào doanh nghiệp; thể chế hóa lĩnh vực, ngành nghề theo Nghị quyết số 12/NQ-TW.
Về chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hàng năm, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hàng năm như sau:
Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt mục tiêu, định hướng, một số chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược kinh doanh 5 năm và một số chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 53 và quy định của Chính phủ.
Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty ban hành chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để tăng cường phân quyền và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn.
Theo ông Phan Văn Mãi, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với quy định này vì phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Quy định tại dự thảo cơ bản bảo đảm nguyên tắc vay vốn khi có phương án sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ và biện pháp bảo đảm khoản vay và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
Đồng thời, sẽ tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp do doanh nghiệp thành lập hoặc đầu tư vốn có thể tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tại dự thảo Luật cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định biện pháp quản lý chặt chẽ về kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc xây dựng Luật lần này cần nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Quochoi.vn
Tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc xây dựng Luật lần này cần tập trung hoàn thiện thể chế mạnh mẽ, rõ ràng, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề hình thức quản lý doanh nghiệp nhà nước góp vốn dưới 50%; việc quản lý đầu tư tách bạch với chức năng quản lý nhà nước; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, vai trò của tổng công ty quản lý vốn đầu tư bảo đảm khả thi, minh bạch, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, nơi nào có vốn nhà nước thì phải có quản lý, cơ quan quản lý sẽ thay mặt chủ sở hữu vốn.
Quy định về vốn nhà nước trong Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định trên 50% thì có quyền phủ quyết, dưới 50% không phủ quyết được thì báo cáo chủ sở hữu để dùng các công cụ quản lý kiểm soát.