Sửa Luật Đất đai: Làm sao để tạo đột phá, sử dụng hiệu quả nguồn lực?
Trước vấn đề nóng bỏng về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đặt ra hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi đã có những quy định nào để khắc phục mang tính...
Dự án triển khai chậm do vướng giải phóng mặt bằng
Hôm 24/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật để xem xét dự thảo 4 luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi). Thủ tướng chỉ đạo, Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời nhấn mạnh Luật Đất đai liên quan nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, nhiều luật nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Thủ tướng yêu cầu bộ chủ trì soạn thảo uật tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng mà luật tác động để hoàn thiện, trình Quốc hội.
Trong các nội dung lần này, vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người dân tại các dự án, khu vực thu hồi đất đang hết sức được quan tâm bởi nhiều năm qua, tiến độ tại nhiều dự án bị ảnh hưởng, kéo dài đến cả hàng chục năm trời, do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.
Không chỉ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, mà doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì không thể hoàn thành dự án. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu kiện kéo dài. Luật Đất Đai sửa đổi đã có đề cập tới một số giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Dự án cầu Nam Lý nằm tại TP Thủ Đức.
Dự án cầu Nam Lý nằm tại TP Thủ Đức theo quy hoạch có tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng được khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018 nhưng đến nay tức sau 3 năm cây cầu vẫn chưa thể hoàn thiện dù đạt được 40% khối lượng. Nguyên nhân cây cầu vẫn chưa thể tiếp tục thi công là vì còn vướng ở khâu giải phóng mặt bằng.
Dù có thông báo di dời từ 5 năm trước nhưng đến nay gia đình bà Huyền - người dân TP Thủ Đức - vẫn chưa được tiến hành bồi thường. Nguyên nhân là do chưa thống nhất được giá đất bồi thường. Hiện công trình đã dừng thi công khiến hàng chục hộ dân nằm trong quy hoạch như gia đình bà Huyền bị ảnh hưởng.
"Đi cũng không được, ở cũng không xong, có những nhà xập xệ cũng không biết hướng đền bù ra sao. Nhà nước cho người dân tái định cư ở một nơi nào, ví dụ như nhà chị 50m2 thì tới phương trời mới cũng có số đất y như vậy và hỗ trợ thêm cho người dân một ít tiền để xây cất lên, cấp 4 cũng được", bà Huyền cho hay.
Thực tế trên là tình trạng diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương khác. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, điểm nghẽn giải phóng mặt bằng tại các dự án, trong đó có cả dự án đầu tư công, xuất phát phương án bồi thường chưa đồng thuận với người dân và thiếu nguồn vốn phát triển quỹ đất.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi thấy rằng dự thảo Luật Đất đai có một định hướng là sẽ phân bổ tối thiểu 10% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được trên địa bàn cho quỹ đất phát triển đất và quỹ đó sẽ cung ứng vốn cho trung tâm phát triển quỹ đất để đi bồi thường".
Trước vướng mắc về giải phóng mặt bằng, phía người dân và doanh nghiệp đếu đang mong chờ sẽ có những thay đổi đột phá từ Luật Đất đai được sửa đổi trong thời gian tới đây.
Đảm bảo quyền lợi của người dân trong Luật Đất đai sửa đổi
Trước vấn đề nóng bỏng về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đặt ra hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi đã có những quy định nào để khắc phục, mang tính chất đột phá. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, đền bù dự án sẽ theo bảng giá đất tại giá thị trường. Như vậy, giá thị trường sẽ phản ánh chính xác hơn. Người dân sẽ có lợi, Nhà nước sẽ thu được nguồn lợi đất đai lớn hơn. Quá trình này phải có lộ trình, các giá đất liên quan tới người dân phải xem xét cụ thể từng vùng miền, có lộ trình.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, nhiều dự án treo hàng chục năm không được triển khai, gây cho người dân rất nhiều khó khăn điều này phải đến trách nhiệm quản lý Nhà nước bởi quy định của Luật Đất đai 2013 là sau 3 năm, 2 năm là xử lý được rồi.
"Luật cũ là thu hồi dự án nhưng thực tế thu hồi để giải quyết các mặt pháp lý rất khó khăn, mà chưa cụ thể hoá, nghiên cứu được. Bộ luật lần này thay bằng các công cụ hành chính, công cụ kinh tế, chúng tôi đang đề xuất khi một dự án, một nhà đầu tư được giao đất theo hình thức nào sẽ căn cứ vào tiến độ dự án để tính toán việc sử dụng đất.
Khi không đáp ứng được thì đóng thêm kinh phí tăng thêm, đóng đến khi nào mà nhà đầu tư đấy thấy không còn hiệu quả nữa. Nó sẽ tác động vào nhà đầu tư họ thấy là phải trả lại hoặc chuyển cho nhà đầu tư có năng lực hơn", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được đưa lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới đây và tiếp tục được bàn thảo trong các kỳ hợp tiếp theo. Nếu như các nội dung đạt được sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu thì dự kiến, Quốc hội sẽ họp thông qua Luật Đất đai 2023 vào tháng 10 năm sau.