Nếu cảnh sát có hành vi bạo lực với 2 học sinh ở Sóc Trăng sẽ bị xử lý thế nào?
Ngày 28/9, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh hai người mặc sắc phục CSGT và cảnh sát trật tự dùng dùi cui, mũ bảo hiểm đánh 2 thiếu niên, khiến dư luận xôn xao, bức xúc. Trao đổi về sự việc, chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi đánh người như vậy là cố ý gây thương tích. Nếu đúng là cảnh sát thì 2 người này sẽ bị tước danh hiệu, loại khỏi ngành và có thể bị truy tố.
Đình chỉ 4 cán bộ, chiến sỹ có liên quan
Trả lời báo chí tối 28/9, Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã nắm được thông tin về clip cán bộ, chiến sỹ Công an có hành vi bạo lực với 2 học sinh chạy xe mô tô lan truyền trên mạng xã hội. Ban Giám đốc đã chỉ đạo tạm đình chỉ 4 cán bộ, chiến sỹ Công an thị xã Vĩnh Châu tham gia ca trực ngày 25/9; Đồng thời yêu cầu Công an thị xã Vĩnh Châu báo cáo toàn bộ vụ việc để xử lý nghiêm minh.
Qua xác minh ban đầu, chiều 25/9, Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT - TTCĐ Công an thị xã Vĩnh Châu phát hiện 2 nam sinh đi xe mô tô trên 100 phân khối nên ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, nam sinh cầm lái không chấp hành, có hành vi lạng lách, đánh võng, ép xe của CSGT. Tiếp đó, nam sinh cầm lái đã tăng tốc bỏ chạy trên đường Nam Sông Hậu, từ phường Vĩnh Phước đến xã Vĩnh Hải thì dừng lại trước một nhà kho.
Hình ảnh 2 cảnh sát có hành vi bạo lực với 2 nam sinh vi phạm luật giao thông (ảnh cắt từ clip) |
Khi dừng được phương tiện của hai em học sinh vi phạm, hai cán bộ Công an truy đuổi đã có hành vi bạo lực, đánh đập 2 em học sinh, nhất là với em điều khiển phương tiện...
Đại tá Lâm Thành Sol cho biết thêm, vì có liên quan, cả tổ công tác 4 người đều đã bị tạm đình chỉ công tác để xác minh. Sau khi sự việc được làm rõ, Công an tỉnh sẽ xử lý nghiêm cán bộ chiến sỹ sai phạm. Ai sai mức độ nào sẽ bị kỷ luật thích đáng theo mức độ đó.
Trước đó, vào chiều cùng ngày, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 5 phút ghi lại hình ảnh hai người mặc sắc phục CSGT và cảnh sát trật tự dùng dùi cui đánh 2 thiếu niên đi xe máy. Sau khi đánh gãy dùi cui, nam cảnh sát trật tự đã dùng tay và mũ bảo hiểm đánh và đá liên tục vào người một trong 2 học sinh. Sự việc khiến dư luận xôn xao, bức xúc.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo những gì diễn ra trong clip cho thấy đây là hành vi có tính chất côn đồ, cố ý gây thương tích, xâm phạm đến sức khỏe của hai thiếu niên đi xe máy. Nếu có đơn thư tố cáo tố giác và có thương tích dù tỷ lệ dưới 11 % thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích.
“Nhiệm vụ thiêng liêng của Cảnh sát là vì Nhân dân phục vụ. Hành động đánh người là rất phản cảm, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, tác phong của người chiến sĩ Công an Nhân dân. Bởi vậy, nếu hai người mặc sắc phục trong clip là cảnh sát thì có thể sẽ phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu Công an Nhân dân.
Dù bất cứ lý do gì, người tham gia giao thông có vi phạm pháp luật hành chính thì có rất nhiều biện pháp, phương pháp để xử lý, thậm chí có thể phạt nguội. Nếu người tham gia giao thông có hành vi phạm tội và có biểu hiện chống đối, chống người thi hành công vụ thì mới được phép sử dụng vũ lực để không chế, bắt giữ.
Trong clip cho thấy hai thiếu niên hoàn toàn không có hành vi nào gây nguy hiểm cho hai người mặc sắc phục, thậm chí đến khi bị đánh đập tàn nhẫn nhưng vẫn không có bất kỳ hành động nào có tính chất tự vệ. Bởi vậy việc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật là cần thiết”, luật sư Cường nói.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp |
Tước danh hiệu, loại khỏi ngành
Cũng theo vị Tiến sỹ luật học, kỷ luật trong lực lượng vũ trang là kỷ luật nghiêm khắc, "kỷ luật thép", nếu những cán bộ, chiến sỹ có hành vi như vậy thì rất khó tránh khỏi hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu, loại khỏi ngành. Pháp luật cũng quy định, cán bộ, công chức, Công an Nhân dân vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xem xét xử lý về mặt chính quyền và kỷ luật Đảng. Tuy nhiên hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật sẽ không thay thế những chế tài của pháp luật.
Bởi vậy trong vụ việc này, nếu bị hại có đơn đề nghị xử lý và cơ quan điều tra vào cuộc giám định, có tỷ lệ thương tích thì hai người đánh các nam sinh nêu trên sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự.
Nếu thương tích dưới 11% thì việc khởi tố sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Trường hợp thương tích từ 11% trở lên mà hành vi có tính chất côn đồ hoặc các trường hợp khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, điều 134 bộ luật hình sự thì không cần người bị hại phải có đơn yêu cầu, cơ quan điều tra vẫn khởi tố xử lý hình sự nếu có thương tích nghiêm trọng xảy ra.
Việc có xử lý hình sự hay không, mức độ xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào hậu quả thương tích của hai nạn nhân. Khi xem clip trên, chắc hẳn các ông bố, bà mẹ có con đều rất bức xúc phẫn nộ nếu như con mình là nạn nhân của những hành vi côn đồ như thế này. Bởi vậy, sự việc có lẽ sẽ không dừng lại ở hình thức kỷ luật mà còn có thể sẽ có chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ chế tài hình sự.
“Đây là vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Bất kỳ lý do gì, bất kỳ người đánh đập, gây thương tích cho hai nam sinh là ai thì cũng cần xem xét xử lý về hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.
Đối với những người đăng tải clip này lên mạng xã hội với mục đích là phê phán cái xấu, làm căn cứ để cơ quan chức năng vào cuộc, nội dung clip là trung thực, là sự thật thì không vi phạm, thậm chí có thể khen ngợi ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật.
Nếu việc đưa thông tin là sai sự thật, dàn dựng, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác thì mới là hành vi vi phạm pháp luật. Khi cơ quan chức năng vào cuộc sẽ làm rõ tính trung thực của clip này, làm rõ danh tính của những người trong clip, xác định nguyên nhân sự việc, xác định diễn biến hành vi và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội và với nạn nhân để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.