A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành công trong nghệ thuật đòi hỏi phải có sự bứt phá

Sau thành công của vở nhạc kịch "Những người khốn khổ", Nguyễn Triều Dương lại say mê sáng tạo cho dự án mới. Anh đảm trách vai trò đạo diễn vở nhạc kịch "Sóng" của Nhà hát Tuổi trẻ, dự kiến công diễn đầu tháng 3 tới.

Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có dịp trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Triều Dương về "Sóng" và nhạc kịch Việt Nam trong những ngày đầu năm mới.

Nghệ thuật không có đúng sai

- Xin anh cho biết cơ duyên đưa anh đến với vở nhạc kịch “Sóng”?

Cơ duyên tham gia dự án này khi bắt đầu ở khâu casting diễn viên, tôi thấy may mắn bởi dự án tạo điều kiện để các nghệ sĩ tham gia được tiếp cận với những nhân vật có thật, chia sẻ về câu chuyện mà chúng tôi đang dàn dựng.

Có lẽ không riêng tôi mà bất kỳ ai cũng đều cảm nhận được cách người ta cư xử với nhau thời điểm đó, giữa Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, giữa Xuân Quỳnh với người chồng đầu tiên và với những người xung quanh, họ đều rất văn minh.

Đạo diễn Nguyễn Triều Dâng
Đạo diễn Nguyễn Triều Dương

- Anh có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò của mình trong dự án lần này?

Tôi làm đạo diễn nhạc kịch "Sóng" cùng ê-kíp sáng tạo dựng vở nhạc kịch mới của Nhà hát Tuổi trẻ về cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Điều tôi đang đau đáu là sẽ làm "Sóng" trở thành vở nhạc kịch theo định nghĩa tôi biết, đảm bảo đưa tới khán giả câu chuyện chân thành nhất dựa trên một câu chuyện có thật.

- Dàn dựng vở nhạc kịch kinh điển thì có điều thuận lợi là khán giả dễ cảm nhận vì đã biết đã hiểu câu chuyện rồi, không khó khăn nhiều như “Sóng” với kịch bản hoàn toàn mới mẻ?

Nếu có con đường định hình trước thì đi dễ dàng hơn nhưng nếu chưa có sẵn khung thì vẫn có điểm thú vị là chúng ta có thể sáng tạo, hoán đổi các yếu tố để có sản phẩm tối ưu nhất.

Trong nghệ thuật không có đúng - sai, nên khi chưa có khung vừa là thuận lợi nhưng cũng phải luôn lưu ý một điểm là đi đúng con đường chúng ta vạch ra từ ban đầu.

- Cá nhân anh có trở ngại nào không khi làm đạo diễn nhạc kịch “Sóng”?

Không riêng gì với "Sóng" mà dự án nào tôi cũng có những trăn trở. Thời gian tôi sống và làm việc cho các tổ chức nước ngoài khá dài, cảm nhận nghệ thuật khác. Đôi khi tôi hơi lạc lõng vì chưa hiểu tường tận văn hóa Việt Nam. Tự tôi phải cân bằng, phải học hỏi từ những đồng nghiệp, các bậc tiền bối.

Cảm nhận nghệ thuật của từng nghệ sĩ rất quan trọng. Nếu chúng ta vượt qua được rào cản, đến cùng cảm nhận nghệ thuật với nhau thì sẽ thành công. Chẳng hạn cùng một nhân vật nhưng tôi nghĩ khác, diễn viên cảm nhận khác. Chúng tôi sẽ nói ra cảm nhận của mình, bàn bạc để đi đến một sự thống nhất về cách thể hiện cho phù hợp với tổng thể và diễn viên có thể thăng hoa nhất.

Cả ê-kíp sáng tạo đều như vậy, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo diễn dàn dựng, mọi người nghiền ngẫm, suy nghĩ, tìm được lối chung để có vở nhạc kịch không những hấp dẫn về hình ảnh, nội dung, đi đúng hướng nghệ thuật đưa ra từ ban đầu.

Đạo diễn Nguyễn Triều Dâng cùng các đồng nghiệp của mình
Đạo diễn Nguyễn Triều Dương cùng các đồng nghiệp của mình

- “Những người khốn khổ” thuận lợi hơn bởi dàn diễn viên họ hát rất tốt, trong khi “Sóng” có rất nhiều gương mặt mới. Anh có vất vả khi làm việc với các diễn viên trẻ và có khi nào anh từng nghĩ mình đang đánh liều với tên tuổi của mình khi nhận lời dàn dựng “Sóng”?

"Sóng" là tác phẩm thứ tư tôi làm ở Việt Nam, những tác phẩm trước tôi khá liều lĩnh đưa những điều mới, có khi là mới ở không gian bối cảnh, có khi là mới ở cách thể hiện - diễn viên làm những điều ngược lại với những thói quen từ trước đến giờ - và cả 3 lần thử nghiệm đó đều thành công, khán giả kín chỗ ngồi và họ đều thích thú.

Tôi nhận ra rằng khán giả họ được tiếp cận được với những điều mới mẻ, hơn cả cơ bản. Khi làm nghệ thuật tôi không quá lo lắng rằng khán giả không hiểu, không cảm được hay bị lạc trong thế giới mình sáng tạo. Thành công trong nghệ thuật đòi hỏi phải có sự bứt phá, muốn bứt phá phải có cái mới.

Với các diễn viên thì… tôi rất yêu họ. Họ rất nhiệt huyết, miệt mài và đó là ưu điểm rất lớn. Họ là thế hệ trẻ văn minh, có sự tìm tòi về nhạc kịch, có sự nhạy bén. Xuất phát điểm trẻ nên họ cần được dẫn dắt, để họ tiếp cận số phận nhân vật thời điểm đó thế nào, khác thời chúng ta đang sống ra sao, đó là thách thức của ê-kíp.

Thành công trong nghệ thuật đòi hỏi phải có sự bứt phá

- Theo anh điều quan trọng nhất để vở kịch mới mẻ như “Sóng” chạm được tới khán giả là gì? Anh đánh giá ra sao về khả năng thành công của nhạc kịch "Sóng"?

"Sóng" dựa trên câu chuyện có thật, sâu sắc về tư duy, cách ứng xử giữa con người với con người đó là yếu tố rất hấp dẫn. Tên tuổi của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được nhiều khán giả biết đến rồi nhưng những khó khăn họ phải trải qua thời gian đó thì chưa có nhiều người biết và khán giả sẽ tò mò. Chúng ta được nghe nhiều, rằng họ là những nhân tài, và tôi nghĩ cuộc sống của họ xứng đáng được chúng ta nhắc đến một cách trân trọng nhất.

Nhạc kịch đang là làn sóng rất mới ở Việt Nam. Có nhiều nhóm tự phát, đang tự học và xây dựng. Có những đơn vị hoạt động hết công sức về nhạc kịch. Chúng ta cùng đang tạo tiền đề, nền móng để nhạc kịch phát triển ở Việt Nam.

Chúng ta phải luôn nhớ, khán giả Việt Nam khó tính và điều đó rất hay. Những người thực hiện phải tìm tòi, có cái mới để thu hút khán giả, mới cả trong dàn dựng, bối cảnh và cách diễn. Tôi kỳ vọng "Sóng" thành công, là món ăn hoàn toàn mới, hấp dẫn khán giả.

Cần nhiều thời gian để “cơ thể nhạc kịch” tiến bước

- Nhạc kịch còn mới mẻ nhưng bước đầu gặt hái những thành công rực rỡ, “Những người khốn khổ” là một ví dụ. Anh lý giải sự thành công đó vì đâu?

Theo tôi, khán giả thích thú khi họ được đắm chìm trong mạch truyện của tác phẩm, họ không muốn thụ động, không muốn chỉ ngồi cảm nhận tất cả những điều mình đưa ra, họ cũng muốn có sự đồng cảm với nhân vật.

Một số người dựng cổ tích hóa lên, khán giả không cần đắm chìm vào không gian đó mà nhìn vào cốt truyện kỳ diệu, thần tiên xảy ra trên sân khấu. Tuy nhiên, tôi thấy khán giả Việt Nam sẵn sàng đón nhận những cách kể mà họ không biết trước sẽ được đưa đi đâu, chưa biết cảnh sau sẽ như thế nào. Tôi rất mừng khi khán giả muốn tham gia vào không gian đó.

Thành công trong nghệ thuật đòi hỏi phải có sự bứt phá

- Góc nhìn của anh về nhạc kịch ở Việt Nam thời điểm hiện nay như thế nào, thưa anh?

Ở Việt Nam nhạc kịch hiện có nhiều nhóm tự phát, đó là tín hiệu đáng mừng, giống như cơ thể nhạc kịch đang bắt đầu chuyển động, tỉnh giấc, nhưng có lẽ vẫn cần chặng đường thời gian rất dài để có thể đi được.

Chúng ta đang “du kích”, chứ không giống như ở nước ngoài đã có sẵn hành lang pháp lý, tổ chức, có bộ máy cồng kềnh phục vụ cho những ý tưởng nghệ thuật. Người Việt Nam mình rất giỏi, thành công của "Những người khốn khổ" cũng là một minh chứng, thấy rằng chúng ta không đòi hỏi một bước đệm nhung lụa mà chúng ta vẫn đến được đích.

Với nhiệt huyết như thế này của những người có quyền quyết định, những người yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật thì sẽ làm cơ thể đi nhanh hơn chúng ta tưởng.

- Là nghệ sĩ được đào tạo về nhạc kịch ở Anh, có thời gian làm việc ở nước ngoài, khi về Việt Nam làm việc anh có cảm thấy bị sốc với cách mà Việt Nam tiếp cận làm nhạc kịch hay không?

Đúng là khác nhiều lắm. Như đã nói trên, tôi mình từng sống và làm việc ở nơi mà mọi thứ đã có sẵn sàng cả rồi, tôi chỉ là bộ phận trong bộ máy đó, ập vào là diễn, làm kịch bản…

Còn chúng ta đang xây dựng cả hệ thống để cơ thể nhạc kịch đó vận hành và đi tiếp. Tuy nhiên, có khi dễ thì chúng ta không thích đâu, khó mới cần đến chúng ta - những người đầy nhiệt huyết để làm.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Vở nhạc kịch thuần Việt mang tên “Sóng” - lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Ca khúc “Thuyền và Biển” là chủ đề chính xuyên suốt vở nhạc kịch, Các nhạc sĩ đã phổ nhạc cho 10 bài thơ trên nổi tiếng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh” “Nhà chật”... để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh.

Những bức thư tình vượt thời đại của cặp vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng được biên kịch gửi gắm vào vở nhạc kịch, nhằm tròn trịa hơn không khí lãng mạn yêu đương rất đời và cũng rất thơ thời bấy giờ.

Các bối cảnh được đơn giản hóa tăng tính chất đương đại, điểm nhấn là ngôi nhà 6m2 được đặc tả đúng kích cỡ có thật của nó. Chỉ khi con Thuyền - Xuân Quỳnh xuống được xuống biển - đại dương, chỉ khi gặp được đúng người đàn ông của cuộc đời, nhân vật mới đạt đến độ chín muồi của bản thể mình. Ước mơ của Quỳnh lần đầu tiên có cảm giác trọn vẹn cả về tình yêu lẫn sự nghiệp.

Thuyền bên Biển như một tri kỉ đầy thấu hiểu, bên nhau để không bao giờ cảm thấy cô đơn: “Chỉ có thuyền mới hiểu / Biển mênh mông nhường nào / Chỉ có biển mới biết / Thuyền đi đâu, về đâu”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan