Hoàn thiện các quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực văn hóa
Chuyên gia của trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tiếp tục được hoàn thiện đối với các quy định về ưu đãi đầu tư trong bảo vệ và phát triển văn hóa.
Phân bổ hợp lý các quy định
Luật Đầu tư năm 2020 quy định 5 ngành nghề và địa bàn ưu đãi nhưng lại chưa có quy định cụ thể nào về lĩnh vực văn hóa, nhất là đối với Thủ đô - trung tâm văn hóa của quốc gia.
Để khắc phục nhược điểm này, đồng thời đứng trước yêu cầu phải thay đổi Luật Thủ đô năm 2012 sau hơn 10 năm, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được xây dựng.
Dự thảo đã bổ sung Điều 23 quy định về bảo vệ và phát triển văn hóa tại Chương III - Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; Trong đó, khoản 3 Điều này có quy định về mức ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa.
Đây được đánh giá là một quy định mới, vừa góp phần phù hợp với các chế định pháp luật khác, vừa giúp tạo ra một chế định mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm |
Mặc dù dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mang nhiều điểm mới, tính đột phá trong khâu xây dựng pháp luật nhưng theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Điều 23 của dự thảo không tránh khỏi một số thiết sót, hạn chế trong quy định.
Theo đó, việc phân bổ các khoản tại các điều chưa thực sự phù hợp. Quy định tại khoản 3 Điều 23 chưa phù hợp với bố cục của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Khoản 3 Điều 23 về mức ưu đãi đầu tư cho dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được quy định tại Chương III - Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; Trong khi đó, dự thảo có Chương 4 - Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, quy định tất cả những vấn đề liên quan đến đầu tư, nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư…
Như vậy, việc đặt riêng một điều luật về ưu tiên đầu tư tại một chương không liên quan đến các chính sách tài chính của Nhà nước là chưa hợp lý, chưa phù hợp với bố cục của dự thảo.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cũng cho rằng, việc chỉ áp dụng ưu đãi đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong việc thu hút nhà đầu tư là chưa hợp lý.
Cụ thể, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào thị trường, công việc chủ yếu tạo ra lợi nhuận của họ là sản xuất và buôn bán hàng hóa. Ở những giai đoạn này, họ vẫn phải chịu mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) bình thường mà không có sự ưu đãi. Mặt khác, các ngành nghề khác không thuộc lĩnh vực văn hóa cũng đã và đang được áp dụng ưu đãi về thuế GTGT.
Vì vậy, nhằm phát huy hiệu quả của cả hai loại thuế, đồng thời giúp phát triển toàn diện thị trường thì việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ quy định về ưu đãi đối với thuế TNDN là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, đối tượng được hưởng ưu đãi thuế quy định tại khoản 3 Điều 23 còn mang tính chất chung chung, khó áp dụng trên thực tế và khó xác định. Điều này theo các chuyên gia sẽ dẫn đến việc phải ban hành văn bản hướng dẫn đi kèm nhằm giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật và sẽ làm cồng kềnh thêm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Đáng chú ý, đại diện Đại học Văn hóa Hà Nội cũng cho rằng, mức thuế suất ưu đãi được quy định tại khoản 3 Điều 23 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là quá thấp và chưa đồng bộ với Luật Thuế TNDN.
Với mức áp dụng là 5%, đối chiếu với Luật Thuế TNDN hiện hành thì đây là mức thuế suất ưu đãi rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với mức thuế TNDN cơ bản là 22% và thậm chí còn thấp hơn mức ưu đãi về thuế suất là 10% hiện nay chúng ta đang áp dụng đối với các ngành mang tính trọng điểm như công nghệ cao hay trọng yếu như nông nghiệp và các địa bàn có kinh tế khó khăn trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, mức thuế suất nêu trên cũng sẽ tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa các địa giới hành chính khác đối với Thủ đô hay sự mất cân đối của cơ cấu kinh tế giữa các ngành của Thủ đô.
Không những thế, việc giảm thuế suất xuống còn 5% sẽ tạo ra sự xung đột đối với chính Luật Thuế TNDN hiện hành khi thuế suất đối với chính đối tượng này đang được quy định là 10% tại điểm a khoản 2 Điều 13 Luật Thuế TNDN quy định về ưu đãi về thuế suất.
Ngoài ra, việc không quy định về thời gian áp dụng ưu đãi thuế sẽ tạo ra sự thất thu đối với nguồn ngân sách Nhà nước và không cụ thể hóa được hiệu quả ưu đãi về thuế do ưu đãi nhằm hướng tới thu hút nguồn đầu tư nên cần có giới hạn về thời gian ưu đãi.
Thêm ưu đãi để “hút” doanh nghiệp
Với mục đích hoàn thiện, nhất là quy định về bảo vệ và phát triển văn hóa tại Điều 23 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quá trình nghiên cứu, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đưa ra một số đề xuất, góp ý.
Cụ thể, khi xây dựng quy định pháp luật, ban soạn thảo cần có những quy định dẫn chiếu, bổ sung để quy định của Luật Thủ đô không bị xung đột với Luật Thuế TNDN hiện hành khi chưa có quy định tuỳ nghi, dự trù về việc miễn/giảm thuế đối với nhóm ngành công nghiệp văn hóa trong Luật Thuế TNDN.
Hơn nữa, ban soạn thảo nên có sự sắp xếp lại bố cục các khoản tại các điều nhằm tránh sự trùng lặp, mất hợp lý giữa các điều luật và các chương. Theo đó, ban soạn thảo nên chuyển quy định tại khoản 3 Điều 23 thành một điều luật mới và được đặt tại Chương 4 về chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô.
Về loại thuế được áp dụng ưu đãi, ban dự thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xem xét đến việc tạo ra cả ưu đãi về thuế GTGT như hiện nay đang áp dụng đối với các ngành nghề khác.
Nghệ nhân làm tranh thêu tay Quất Động tại khu làng nghề trong Công viên Thiên đường Bảo Sơn |
Đối tượng được hưởng ưu đãi thuế cần được xác định rõ ràng hơn để có thể góp phần định hình và định hướng các ngành công nghiệp trọng điểm cần phát triển trong lĩnh vực văn hóa; Tránh sự phát triển tràn lan hoặc đầu tư nguồn lực vào các ngành chưa phải ưu tiên theo từng giai đoạn phát triển. Việc dành những ưu đãi như nhau đối với các loại doanh nghiệp không thể hiện hết được tính ưu việt và sự phù hợp, cá thể hóa mức độ hỗ trợ của chính sách đối với các đối tượng.
Đồng thời, dự thảo luật cũng cần có sự nghiên cứu và quyết định mức thuế suất hợp lý đối với từng ngành. Việc giảm thuế suất cần đươc tính toán cẩn thận và cân nhắc giữa lợi ích mà việc thúc đẩy kinh tế đem lại với nguồn thu ngân sách bị mất đi.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương đề xuất có thể áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như Luật Thuế TNDN nhưng thể hiện việc ưu đãi thông qua việc giảm thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật Thủ đô.
Đối với thời gian áp dụng ưu đãi, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương đề xuất có thế áp dụng việc miễn thuế trong một khoảng thời gian ban đầu khi doanh nghiệp mới tham gia thị trường hoặc trong các giai đoạn kinh tế, văn hóa gặp khó khăn, chậm phát triển (có thể theo chu kỳ 3 - 5 năm và mức giảm thuế có thể là 50% thuế suất).
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được tạo điều kiện về thuế suất trong khoảng thời gian giảm thuế nhưng vẫn không thể phát triển thì nên để cho họ cân đối việc có thể tiếp tục tự duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp hay không hoặc rút lui để nhường thị phần cho doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả hơn.
Đối với các lĩnh vực khác, những ưu đãi không phải là mới. Tuy nhiên đối với lĩnh vực văn hóa, đây là một biện pháp mới, mang tính sáng tạo cao nhưng vẫn phải phù hợp với những quy định pháp luật đã được ban hành.
Vì vậy, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tiếp tục được hoàn thiện đối với các quy định về ưu đãi đầu tư trong bảo vệ và phát triển văn hóa.