Chõ gốm văn hóa Đông Sơn - Bảo vật quốc gia được nghệ sĩ sở hữu
Bảo tàng "Gốm thời dựng nước" là một trong những bảo tàng trẻ tuổi nhất ở TPHCM. Ở nơi đây, có hơn 400 hiện vật, trong đó, Chõ gốm văn hóa Đông Sơn được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 31.12.2024.
Chõ gốm văn hóa Đông Sơn được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2024. Ảnh: Di Py.
Hơn 400 hiện vật gốm và Chõ gốm được công nhận Bảo vật quốc gia
Bảo tàng "Gốm thời dựng nước" được thiết kế độc đáo, mang đậm văn hóa Việt. Các hiện vật gốm nơi đây phản ánh đời sống, văn hóa, tín ngưỡng và trình độ kỹ thuật của người Việt xưa, đánh dấu giai đoạn phát triển ban đầu của nghề gốm ở Việt Nam. Các loại gốm này chủ yếu là đất sét, được khai thác từ các vùng ven sông, suối, nung ở nhiệt độ thấp, đôi khi có pha thêm các vật liệu khác để tăng độ bền.
Các hiện vật gốm ở bảo tàng "Gốm thời dựng nước" không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là minh chứng cho sự phát triển sớm của nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam.
Nói riêng về Chõ gốm văn hóa Đông Sơn, hiện vật này được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2024. Chõ gốm văn hóa Đông Sơn được làm bằng đất nung, sét mịn pha cát, bã thực vật, sạn nhỏ, pha bột thổ hoàng, xương gốm tương đối cứng, chắc; xương gốm màu xám đỏ. Áo gốm màu đỏ. Quan sát kỹ áo, xương gốm và chụp Micropicture - vi ảnh cho thấy gốm được nung ở nhiệt độ cao, khoảng 800 - 900°C.
Chõ gốm văn hóa Đông Sơn là hiện vật gốc, độc bản, độc đáo có giá trị đặc biệt; là báu vật của người Việt cổ thời các Vua Hùng dựng nước được khảo cổ học phát hiện, nghiên cứu và đánh giá rất cao trong thứ bậc của đồ gốm văn hóa Đông Sơn.
Chõ gốm văn hóa Đông Sơn được công nhận là Bảo vật quốc gia cho thấy trình độ cao của kỹ thuật chế tác đồ gốm thời tiền - sơ sử, với công năng chính là làm chín gạo nhờ hơi nước bằng cách tiên tiến nhất lúc bấy giờ.
Chõ gốm được tạo hình gồm hai tầng: Tầng trên là ngăn để đồ cần làm chín, tầng dưới là nồi đựng nước đun sôi. Phần chứa nguyên liệu hấp cao 23cm, thân loe hình chóp cụt thuôn dần về phía nồi hấp, miệng hơi loe, có rãnh và gờ ở mép miệng. Phần nồi chứa nước cao 17cm, hình cầu, đáy lồi cong tròn, vai có gờ. Vỉ hấp giữa chõ và nồi có các lỗ nhỏ. Nơi tiếp giáp hai phần chõ và nồi có gờ đắp nổi ở vai. Mặt ngoài chõ trang trí văn thừng đập kết hợp với miết láng, vừa mang tính mỹ thuật vừa hỗ trợ khi tạo dáng, làm cho sản phẩm chắc, khỏe, chịu lực, ít bị rạn nứt khi nung và giữ được nhiệt đều khi sử dụng.
Việc phát hiện các chõ gốm trong những di chỉ văn hóa Đông Sơn là minh chứng sống động cho thấy những nét văn hóa ẩm thực của người thời đó: Đã biết sử dụng hơi nước làm chín gạo nếp (và có thể một số thức ăn khác) để tạo thành xôi - món ăn truyền thống phổ biến trong các dịp lễ tiết quan trọng và đời sống thường ngày trên đất Việt từ cách đây 2.500 năm cho đến ngày nay.
Bảo tàng "Gốm thời dựng nước" là nơi sẽ lưu giữ Bảo vật quốc gia Chõ gốm văn hóa Đông Sơn. Theo tiết lộ của ông Phạm Gia Chi Bảo (nghệ sĩ Chi Bảo) - Giám đốc Bảo tàng Gốm thời dựng nước, hiện Chõ gốm văn hóa Đông Sơn đang được triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Sau khi kết thúc 1 tháng triển lãm, Chõ gốm văn hóa Đông Sơn sẽ được đưa trở lại "Gốm thời dựng nước".
Nói về 400 hiện vật gốm cổ, đây là các hiện vật thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn như: Văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun..., các văn hóa đồng đại như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa sơ sử lưu vực sông Đồng Nai, cũng như các sưu tập hiện vật thuộc một số thời kỳ độc lập tự chủ trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Ông Phạm Gia Chi Bảo cho biết, ở bảo tàng có dòng gốm Cái Bèo có niên đại khoảng 5.000 năm trước; gốm Hạ Long, Phùng Nguyên, Hoa Lộc có niên đại cách đây hơn 3.000 năm và dòng gốm Đông Sơn niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm trước... "Gốm thời dựng nước" cung cấp tư liệu sống động phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, đồng thời giáo dục cộng đồng về giá trị di sản dân tộc.
Mong là cầu nối khơi dậy niềm tự hào văn hóa cổ đại Việt Nam
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ Chi Bảo cho biết, anh mất 10 năm tìm hiểu về gốm. Thời gian này, anh đi tham quan các bảo tàng khắp thế giới. Càng đi, anh lại càng thêm yêu những món cổ vật gốm bản thân đang sở hữu.
Nghệ sĩ Chi Bảo chia sẻ rằng, bảo tàng thành lập với mong muốn trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa cổ đại Việt Nam.
"Chúng tôi kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử hàng đầu, nơi mỗi hiện vật kể câu chuyện về cội nguồn dân tộc" - anh nói.
Nghệ sĩ Chi Bảo cho biết thêm, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; hợp tác với các trường đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển tài liệu nghiên cứu.
Bảo tàng Gốm thời dựng nước được kỳ vọng tạo không gian trải nghiệm đa dạng, khơi dậy niềm tự hào văn hóa Việt Nam trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. "Tình cảm của tôi dành cho gốm Việt là một điều rất đặc biệt, khó mô tả thành lời. Cảm xúc đó đến từ việc tôi có thể kết nối với nhiều điều từ gốm" - anh nói.
Nghệ sĩ Chi Bảo nói anh có tâm nguyện với các hiện vật gốm là "giới thiệu đến các bạn trẻ lịch sử văn hóa của dân tộc". Gốm mang vẻ đẹp sơ khai, nguyên bản, điều đó chẳng cần bàn. Nhưng ở đó, anh còn nhìn thấy cả một hành trình phấn đấu vượt gian khó để tiến lên phía trước.