A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải lương Việt Nam đang thiếu sân chơi chuyên nghiệp

Cải lương thiếu sân chơi chuyên nghiệp, nhưng nỗ lực đổi mới từ nghệ sĩ trẻ và gạo cội đang giúp bộ môn này tiếp cận khán giả hiện đại.

Cải lương Việt Nam đang thiếu sân chơi chuyên nghiệp

Học viên cải lương từng có đến 5 quán quân ở mùa 1. Ảnh: Đại diện Chương trình Học viện cải lương cung cấp

Sân chơi cho cải lương đang bị thu hẹp

Cải lương từng một thời là bộ môn nghệ thuật được rất nhiều nghệ sĩ theo đuổi, đam mê. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, sân chơi cho bộ môn này đang ngày càng thu hẹp dần. Những chương trình như Bông lúa vàng, Chuông vàng Vọng cổ... dần dần vắng bóng hoặc không tạo được hiệu ứng truyền thông rầm rộ.

Sau thời gian gián đoạn, sân chơi “Tài năng cải lương Trần Hữu Trang” đã nỗ lực trở lại, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ cải lương dự thi ở cả ba miền, góp phần tiếp tục lan tỏa cải lương trong đời sống văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Trong thời điểm các sân chơi cho cải lương không nhiều thì “Tài năng cải lương Trần Hữu Trang” được xem là cơ hội hiếm hoi cho các nghệ sĩ yêu thích cải lương được thỏa mãn đam mê.

Trước đó, một sân chơi khác cũng khá nổi bật khi lên sóng truyền hình năm 2024 là “Học viện cải lương” do NSND Bạch Tuyết và các cộng sự tổ chức thực hiện.

“Học viện cải lương” được xây dựng theo dạng học viện với viện trưởng là NSND Bạch Tuyết, cùng các nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Hằng và “thầy đờn” - nhạc sĩ, NSND Thanh Hải. 3 tập đầu là phần tuyển chọn các thí sinh với phần thi tiết mục tự chọn và thử thách từ chương trình (ứng diễn trích đoạn với một nghệ sĩ khách mời hoặc bốc thăm ngẫu nhiên). Sau đó, 4 giám khảo gồm: NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Hải, Châu Thanh, Thanh Hằng bấm nút chọn thí sinh.

Ở mùa đầu tiên, “Học viện cải lương” đã thể hiện được phần nào sự khác biệt so với các game show có yếu tố cải lương trước đây (như Đường tới danh ca vọng cổ, Trăm năm ánh Việt, Nghệ sĩ thần tượng…). Nếu các game show khác đòi hỏi thí sinh phải có “chút vốn liếng” về khả năng ca diễn cải lương thì “Học viện cải lương” không ngại những nghệ sĩ là “trang giấy trắng”.

Sau mùa phát sóng đầu tiên, chương trình tìm ra 5 nghệ sĩ đồng quán quân gồm Biện Thuy, Tú Tri, Quách Phú Thành, Hùng Vương và Melany Trần. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi sân chơi này, các nghệ sĩ cải lương trẻ hầu như đều chưa có nhiều dấu ấn với khán giả. Hiện tại, mùa 2 của chương trình cũng chưa được nhà sản xuất khởi động.

Người trẻ quảng bá cải lương

Dù sân chơi cho cải lương đang thiếu nhưng vẫn có không ít tín hiệu tích cực khi nhiều nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ trẻ đã biết cách quảng bá cải lương theo hướng hiện đại hơn, tiếp cận nhiều đối tượng khán giả trẻ để giữ sức hút cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Vừa qua, bản mashup “Túy âm - Lục Hải Vi Vương” do Phương Mỹ Chi và Khả Lâu biểu diễn tại bán kết 1 Sing! Asia đã lọt tốp Thịnh hành YouTube. Màn trình diễn được khán giả ví như không gian giao lưu văn hóa: Phương Mỹ Chi lồng ghép vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” trong khi Khả Lâu biểu diễn hí kịch.

Không chỉ gây sốt trên mạng xã hội, phần trình diễn còn khiến Ban giám khảo Sing! Asia nhiều lần tỏ ra thích thú. Danh ca Tô Hữu Bằng nhận xét tiết mục đã trọn vẹn cả về phần nhìn lẫn âm nhạc. Kết thúc phần thi, Phương Mỹ Chi và Khả Lâu đứng thứ 3 đêm thi với 190,6 điểm và tiến thẳng vào vòng bán kết 2.

Tiết mục của Phương Mỹ Chi và Khả Lâu gây bão bởi cải lương và hí kịch là hai bộ môn độc lập, khó kết hợp. Việc nữ ca sĩ Việt Nam mang cải lương quảng bá cho bạn bè quốc tế đã tạo được hiệu ứng tích cực, giúp lan tỏa bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Còn nhớ cách đây không bao lâu, NSND Bạch Tuyết kết hợp với ca sĩ Orange và rapper Jaysonlei trong ca khúc “Rực rỡ Việt Nam” do producer Mew Amazing sản xuất. Màn kết hợp này gây sốt với giới trẻ khi cải lương kết hợp với các thể loại nhạc hiện đại.

NSND Bạch Tuyết nói bà tham gia dự án này vì luôn muốn phát triển và duy trì cải lương - một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng thể hiện bản sắc và văn hóa của Việt Nam.

NSND Bạch Tuyết còn cùng rapper Wowy đã kết hợp trong ca khúc “Tia sáng cuối cùng” (The last light). Điều bất ngờ chính là sự kết hợp độc đáo khi hòa trộn giữa pop, rap, world music và cải lương đã mang đến nhiều điều mới mẻ cho ca khúc.

“Việc kết hợp với các nghệ sĩ trẻ là điều mà tôi luôn mong muốn để đưa cải lương tiếp cận nhiều khán giả mới theo một cách hợp thời đại”, NSND Bạch Tuyết tâm sự.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật