A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Gia đình văn hóa” mới được làm homestay ở phố cổ Hội An là quy định bất khả thi

Sau gần 5 tháng thí điểm mô hình đón khách lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ, UBND TP Hội An đã thông báo, điều chỉnh một số quy định để triển khai đại trà. Tuy vậy, quy định hộ kinh doanh phải đạt “gia đình văn hóa” tiêu biểu, đã nhận ngay tranh cãi, phản đối...

“Gia đình văn hóa” mới được làm homestay ở phố cổ Hội An là quy định bất khả thi

Du khách sẽ cùng ăn, cùng ở với cư dân phố cổ Hội An theo mô hình lưu trú trải nghiệm. Ảnh: Thanh Hải

“Giấy phép con” thiếu căn cứ

Theo quy định mới về việc đón khách vào lưu trú trong khu phố cổ Hội An, UBND thành phố đã nêu rõ các điều kiện kinh doanh chưa tiền lệ. Trong đó, quy định hộ kinh doanh lưu trú, đón khách du lịch trong khu phố cổ Hội An bắt buộc phải là cư dân bản địa Hội An, có địa chỉ thường trú và sinh sống thực tế tại ngôi nhà dự kiến tổ chức hoạt động. Đặc biệt, các hộ kinh doanh phải đạt “gia đình văn hóa tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương, hoặc được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục”...

Ngoài ra, chính quyền Hội An cũng nêu rõ là ưu tiên, khuyến khích hộ gia đình có tổ chức cuộc sống gắn liền với hoạt động sản xuất - kinh doanh các ngành, nghề truyền thống... Ngay lập tức, đã có nhiều ý kiến tranh cãi, phản đối.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chính quyền có thêm nhiều quy định mới về điều kiện kinh doanh chú trọng công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nhân tình thuần hậu là cần thiết. Tuy nhiên, bắt buộc hộ kinh doanh phải “Đạt gia đình văn hóa tiêu biểu, hoặc được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục” mới được kinh doanh lưu trú, đón khách tại khu phố cổ là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trả lời Báo Lao Động, luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN, Đà Nẵng - cho biết, những quy định trong nội dung của thông báo của UBND TP Hội An là hoàn toàn mới, chưa có luật nào quy định.

“TP Hội An có thể kiến nghị về mặt lập pháp để đô thị di sản có những cơ sở pháp lý giúp triển khai những hoạt động góp phần bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử riêng có. Nhưng các quy định phải có căn cứ xác đáng. Giấy khen “gia đình văn hóa” chỉ là giấy chứng nhận mang tính phong trào. Không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng Hội An lại quy định mang tính quy phạm pháp luật là chưa đúng. Trái luật. Chưa kể gây mất công bằng trong kinh doanh...” - luật sư Lê Cao nói.

Khó khả thi

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam - cho biết, toàn thành phố hiện có từ 400 - 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (homestay), ở bên ngoài phố cổ. Còn trong khu vực 1 (vùng lõi) chưa có dịch vụ này.

Thống kê của Hội An, riêng khu phố cổ có hơn 1.200 di tích cổ, trong đó 70% là thuộc sở hữu tư nhân. Tuy vậy, hiện nay chỉ khoảng hơn 20% trong số này là có người ở. Số nhà còn lại đa phần bị chuyển nhượng, cho người từ nơi khác vào kinh doanh, buôn bán. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến “di sản văn hóa phi vật thể”. Khu phố cổ ít sinh khí. Đặc biệt các lễ nghi, phong tục, đời sống sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh bị nhạt phai.

Với quy định điều chỉnh về đối tượng tổ chức lưu trú mới nhất này, thành phố Hội An không chỉ muốn “siết” lại đối tượng, mà mong muốn những hộ gia đình đón khách lưu trú phải là dân bản địa, có sinh sống thực chất và có đóng góp sâu sát cho phố phường nơi gia đình sinh sống.

“Mong muốn của chúng tôi là tạo ra một sản phẩm du lịch mới đặc sắc, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của phố cổ” - ông Lanh giải thích thêm.

Tuy vậy, sau gần 5 tháng triển khai thí điểm, chỉ có 1 hộ dân trong phố cổ Hội An đăng ký loại hình này. Nay thêm một số quy định mang tính chất ràng buộc, một hình thức kinh doanh có điều kiện, như một “giấy phép con”, chắc chắn gây cản trở các hộ dân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ lưu trú trải nghiệm tại phố cổ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan