A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường học không rác thải nhựa và những sáng kiến bảo vệ môi trường

Từ thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một trầm trọng, từ trong nhà trường, các giáo viên đã khéo léo lan tỏa lối sống xanh cho học sinh…

Trường học không rác thải nhựa

Ở trường Tiểu học Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cô Nguyễn Xuân Thanh, tổ trưởng chuyên môn khối 3 được đồng nghiệp, học trò nhắc đến là giáo viên có nhiều sáng kiến tích cực trong dạy học. Cô Thanh dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục kỹ năng sống cùng những trải nghiệm cho học sinh.

Trường học không rác thải nhựa và những sáng kiến bảo vệ môi trường

Các em học sinh trường Tiểu học Đông Ngạc hào hứng tham gia hoạt động thu gom giấy vụn, bảo vệ môi trường

Cô Thanh chia sẻ: “Tôi đặc biệt quan tâm đến tình trạng ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta, trong đó có vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Tôi luôn trăn trở: Làm thế nào để các em có thể nhận thức được những tác động của mình đến môi trường?”.

Từ trăn trở ấy, năm học 2022 - 2023, cô Thanh đã chủ động tự nghiên cứu và lên kế hoạch triển khai dự án “Trường học không rác thải nhựa”.

Với sự chủ động và tích cực của mình, cô cũng đã tự tìm hiểu để kết nối gửi đề xuất bản kế hoạch dự án và nhận được sự hỗ trợ về kĩ thuật và tài chính 10 triệu đồng từ tổ chức Môi trường Thái Bình Dương và Liên minh Không rác Việt Nam.

Dự án đã được thực hiện thành công với sự lan tỏa giáo dục sâu sắc và sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường.

Trường học không rác thải nhựa và những sáng kiến bảo vệ môi trường

Cô Nguyễn Xuân Thanh và các học sinh

Sau hơn một năm thực hiện, dự án “Trường học không rác thải nhựa” do cô Thanh triển khai đã thu được những kết quả tốt đẹp: Lượng rác thải của nhà trường được giảm đáng kể, lượng rác thải nhựa còn rất ít. Học sinh có thói quen phân loại rác, thu gom vỏ hộp sữa sau các bữa phụ tại trường và tại nhà để đưa đến các nhà máy tái chế. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường dần hình thành thói quen giảm thiểu và không sử dụng nhựa dùng một lần. 100% học sinh nhà trường dùng bọc vở giấy thay cho bọc vở nilon…

Nội dung giáo dục về lối sống giảm nhựa và lối sống không rác của cô giáo Nguyễn Xuân Thanh đã được một số đồng nghiệp trong và ngoài quận triển khai giảng dạy. Sáng kiến của cô cũng được ngành Giáo dục đánh giá cao. Cô là một trong 10 giáo viên khối tiểu học tiêu biểu của Thủ đô được vinh danh giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ VII năm 2023.

Trường học không rác thải nhựa và những sáng kiến bảo vệ môi trường

Các học sinh trường Mầm non Đa Sỹ tham quan vườn trường

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường từ “Vườn xanh 0 đồng”

Không chỉ có mô hình “Trường học không rác thải nhựa”, “Vườn xanh 0 đồng” của thầy và trò trường Mầm non Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng là dự án bảo vệ môi trường có ý nghĩa.

Dự án được cô Trịnh Thùy Linh - Hiệu trưởng nhà trường ấp ủ thực hiện từ năm học 2022 - 2023.

Cô Linh chia sẻ: “Trường Mầm non Đa Sỹ mới thành lập tại quận Hà Đông năm 2021 với cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ. Trường có diện tích 5.000m2 và 20 phòng học cùng nhiều phòng chức năng. Ngôi trường được xây dựng đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra căng thẳng. Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên nhà trường được đón các học sinh đến trường”.

Với nhiều khó khăn của ngôi trường non trẻ vừa mới thành lập, cô Linh luôn trăn trở với những dự án, kế hoạch tạo môi trường học tập thật sự lý tưởng, để ở đây, học trò “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Trường học không rác thải nhựa và những sáng kiến bảo vệ môi trường

Mô hình có ý nghĩa lớn giáo dục trẻ mầm non tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường

Mô hình “Vườn xanh 0 đồng” đã ra đời từ đó với sự chung tay của cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh nhà trường. Đây là môi trường để các học sinh thăm quan, học tập, trải nghiệm mỗi ngày. Kế hoạch xây dựng vườn xanh được triển khai đến phụ huynh từ đầu năm học. Nhà trường đã tích cực truyền thông về ý nghĩa của mô hình qua các kênh fanpage, Zalo, hội nhóm..

“Vườn xanh 0 đồng” được phụ huynh ủng hộ cây xanh, nhà trường làm phân hữu cơ từ rác thải nhà bếp từ những cọng rau, vỏ trứng, vỏ dưa hấu, vỏ chuối… Nước tưới cây cũng tận dụng nước rửa rau, nước vo gạo, nước tráng bình sữa, nước mát từ điều hòa… Các cô vận động phụ huynh ủng hộ thùng sơn đã qua sử dụng để tái chế, truyền thông điệp bảo vệ môi trường.

Trường học thân thiện, học sinh tích cực là điều mà mỗi phụ huynh, học sinh dễ dàng cảm nhận được khi đến với không gian ngập sắc xanh của nhà trường.

“Qua 2 năm triển khai dự án “Vườn xanh 0 đồng", tôi cảm nhận được những đổi thay rõ rệt từ giáo viên đến học sinh, phụ huynh của nhà trường. Rất nhiều em đã có ý thức gom góp chai, lọ cũ đã qua sử dụng đến nộp cho cô giáo để làm đồ dùng dạy học, lọ đựng hoa. Phụ huynh đã tích cực hơn với các hoạt động bảo vệ môi trường do nhà trường phát động.

Từ những hành động tưởng chừng như rất nhỏ đó, dự án đã truyền đến các em học sinh thông điệp tích cực về việc bảo vệ môi trường ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, mầm non”, cô Thùy Linh chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật