A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo bứt phá cho du lịch TP Hồ Chí Minh

Tính đến nay, TPHCM có 60 sản phẩm du lịch tại TP Thủ Đức và các quận, huyện. Đây được xem là chìa khóa, động lực gia tăng sự hấp dẫn của điểm đến TPHCM. Để hút khách, các sản phẩm quận, huyện ngoài sự đa dạng, cần được nghiên cứu, thiết kế mới nhằm tạo sự khác biệt hơn về tuyến điểm, đặc trưng của mỗi quận, huyện và thông điệp quảng bá hấp dẫn với du khách.

Tạo bứt phá cho du lịch TP Hồ Chí Minh

Du khách trải nghiệm tour du lịch đường thủy tại Quận 7. Ảnh: THANH CHÂN

Xây dựng thương hiệu du lịch TPHCM

Bên cạnh các điểm đến quen thuộc ngay tại trung tâm TPHCM như Bưu điện Thành phố, Dinh Thống nhất… du khách còn nhiều lựa chọn trải nghiệm khác ở các quận huyện lân cận như: Quận 6, 5, Bình Thạnh. Đặc biệt, với lịch trình từ nửa ngày đến 1 ngày, du khách có thể tham khảo tour quận, huyện như: Ký ức Biệt động Sài Gòn (Quận 1); Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn (Quận 5); Quận 1 - Sắc màu đêm...

Nhiều du khách đến TPHCM đánh giá, ngành du lịch thành phố đã khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên các tài nguyên lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp sẵn có. Có thể thấy rằng, chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” góp phần xây dựng thương hiệu du lịch TPHCM cũng như đón thêm nhiều du khách.

Cuối năm 2023, thành phố tổ chức Tuần lễ Du lịch TPHCM lần thứ 13 và đón 71.000 lượt khách. Đây là lần đầu tiên trong Tuần lễ Du lịch có sự lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng tham gia đông đảo có quy mô lớn nhất với sự hợp tác, phối hợp của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để phục vụ và đón khách du lịch quốc tế và nội địa.

Hoạt động này giúp nâng cao hình ảnh của điểm đến TPHCM, kích cầu du lịch bền vững, để người dân địa phương và du khách trong nước và quốc tế biết đến các chương trình tour, sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương.

Nhiều quận, huyện giới thiệu sản phẩm đặc trưng mới. Đơn cử, yếu tố đặc trưng sông nước và kênh rạch đã được Quận 7 khai thác đưa vào sản phẩm du lịch đường thủy. Với Quận 1 - nơi trọng điểm về phát triển du lịch của thành phố, tour Quận 1 - Sắc màu đêm vừa được triển khai là sản phẩm đặc trưng mới theo hướng mỗi quận, huyện có một sản phẩm đặc trưng và góp phần phát triển kinh tế đêm.

Theo bà Mai Thị Hồng Hoa - Phó Chủ tịch UBND Quận 1, địa phương đã chủ động rà soát hệ thống các tài nguyên du lịch gắn với giá trị văn hóa - lịch sử nổi tiếng để có phương án kết nối, xây dựng tour tuyến du lịch. Hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch đêm còn giúp gia tăng việc sử dụng dịch vụ của du khách đối với các loại hình thương mại dịch vụ trên địa bàn Quận 1 nói riêng và thành phố nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Vietluxtour nhận định, năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đáng kể có sự góp phần từ các chương trình quảng bá, phát triển sản phẩm của du lịch thành phố.

“Nhìn chung, sản phẩm du lịch thành phố đang rõ nét và thể hiện đặc trưng văn hóa, lịch sử, ẩm thực hơn. Đồng thời, ngày càng khẳng định tiềm năng và sức hút của chính điểm đến, TPHCM không chỉ là nơi trung chuyển du lịch như thường bị nhận định như trước” - bà Bảo Thu trao đổi với Báo Lao Động.

Khách quốc tế tham quan chợ Bến Thành (Quận 1).  Ảnh: THANH  CHÂN

Khách quốc tế tham quan chợ Bến Thành (Quận 1). Ảnh: THANH CHÂN

Nâng chất, tăng liên kết để tour quận, huyện bứt phá

Tính đến nay, thành phố có 60 sản phẩm du lịch tại TP Thủ Đức và các quận, huyện. Đây được xem là chìa khóa, động lực gia tăng sự hấp dẫn của điểm đến TPHCM.

Để hút khách lựa chọn các sản phẩm đặc trưng địa phương, bà Bảo Thu nhận xét, các sản phẩm quận, huyện ngoài sự đa dạng, cần được nghiên cứu, thiết kế mới nhằm tạo sự khác biệt hơn về tuyến điểm, đặc trưng của mỗi quận, huyện và thông điệp quảng bá hấp dẫn hơn với du khách. Nên nghiên cứu ở góc độ của du khách để hiểu được nhu cầu của du khách với quỹ thời gian giới hạn, hành trình tham quan thành phố phải là chương trình nổi bật, có sự khác biệt với những điểm đến của các quận, huyện còn lại.

Để hút du khách đến với dòng sản phẩm này, ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist cho biết, tính liên kết giữa các quận huyện là cần thiết. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng hấp dẫn để các tỉnh, thành lân cận có thể đưa khách tới TPHCM.

Song song với chuỗi sản phẩm đặc trưng địa phương, việc gắn kết sản phẩm này với kinh tế đêm cũng góp phần thúc đẩy du lịch TPHCM. Hiện nay, thành phố đẩy mạnh phát triển chuỗi sản phẩm kết hợp này để khai thác giá trị tài nguyên du lịch dưới góc nhìn ban đêm, “thắp sáng” kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, kinh tế ban đêm đã được xác định là một trong những trụ cột phát triển du lịch của một số địa phương có lợi thế về mặt địa lý cũng như môi trường tự nhiên. Tại Việt Nam, theo thống kế, chi tiêu của du khách trong chương trình tour tại một địa phương có đến 70% là chi tiêu vào các hoạt động dịch vụ du lịch ban đêm.

Trong kế hoạch phát triển, mỗi quận, huyện có một sản phẩm đặc trưng, ngành du lịch TPHCM cùng đề ra kế hoạch tiếp nối là mỗi quận, huyện có thêm một sản phẩm du lịch ban đêm để đa dạng hóa sản phẩm của thành phố.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan