A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sáng tạo nhìn từ làng du lịch tốt nhất thế giới

Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO (World Tourism Organization) đã vinh danh Tân Hóa, thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là làng du lịch tốt nhất thế giới từ giữa tháng 10.2023.

Sáng tạo nhìn từ làng du lịch tốt nhất thế giới

Tân Hóa được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới là bởi tính nhân văn, thân thiện với môi trường, vì những sáng tạo từ thực tiễn. Ảnh: Châu Mỹ

Sáng tạo từ thực tiễn

Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 Quốc gia tham gia dự giải năm 2023.

Tân Hóa là một xã vùng trũng của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, vùng đất này nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đá vôi xếp lớp trùng điệp và thấp thoáng bên màu xanh của những nương ngô, ruộng lúa.

Đẹp. Nhưng đẹp như Tân Hóa thì còn rất nhiều ngôi làng khác ở Việt Nam và thế giới. Song cái khác biệt đó là cách làm du lịch sáng tạo.

Ban đầu, là một hoạt động từ thiện xã hội của Doanh nghiệp tư nhân - Công ty Oxalis tài trợ cho nhân viên poster của mình 1 căn nhà phao để tránh lũ từ sau năm 2010 (trận lụt lịch sử ngập nặng ở Quảng Bình, dân Tuyên Hóa phải vào hang để tránh lũ…).

Căn nhà phao chỉ phát huy giá trị tránh lũ vào những năm nước ngập làng, vào mùa lũ lụt. Quanh năm chỉ là nhà kho thừa. Trong khi đó thì thiếu nơi lưu trú cho du khách. DN và người dân đã sáng kiến sửa soạn thành homstay độc đáo.

Hiện cả làng có hàng chục nhà phao 25-40m2, đầy đủ tiện nghi, là phòng nghỉ cho du khách quanh năm – kể cả trên đỉnh lũ. Thành 1 sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách. "Làng du lịch tốt nhất thế giới" mà Tân Hóa được bình chọn là giá trị sáng tạo chứ không hẳn về tiện nghi, dịch vụ...

Độc đáo lễ “Tạ ơn rừng” ở Quảng Nam

Tại Quảng Nam, từ hơn 20 năm nay, địa phương liên tục tổ chức "Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc" hàng năm. 6 huyện miền núi và 3 vùng trung du thường luân phiên đăng cai.

Ngoài các hoạt động thi đấu thể thao, văn nghệ, các lễ hội còn tổ chức trình diễn nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, đặc sắc của từng dân tộc thiểu số ở địa phương mình.

Từ lễ hội truyền thống, người Cơ Tu ở Tây Giang, Quảng Nam đã tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách với tên gọi “Tạ ơn rừng“. Ảnh: Thanh Hải

Từ lễ hội truyền thống, người Cơ Tu ở Tây Giang, Quảng Nam đã tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách với tên gọi “Tạ ơn rừng“. Ảnh: Thanh Hải

Nhưng điều đáng nói là dù lặp lại định kỳ, hàng năm, nhưng ngày hội này luôn tươi mới, ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân, du khách bởi cách làm sáng tạo, liên tục đổi mới của các huyện.

Tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam, từ một ngày hội Văn hóa các dân tộc miền núi, địa phương đã phát huy được nét đặc trưng riêng, bày bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, phiên chợ Sâm Ngọc Linh đã đủ sự thu hút, độc lập tổ chức, trở thành sản phẩm độc đáo, riêng có. Giá trị giao dịch của phiên chợ miền núi cao có khi lên hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng.

Cũng tại Quảng Nam, huyện Tây Giang, nơi phần lớn dân số là người Cơ Tu, đã biết phát huy những giá trị văn hóa riêng có của người miền núi để sáng tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo: Lễ hội "Tạ ơn rừng". Ông Briu'Liếc, nguyên Chủ tịch, nguyên Bí thư huyện ủy Tây Giang là tác giả của sản phẩm này.

Trong khi 5 huyện miền núi còn lại trong tỉnh còn "trung thành" với sản phẩm "Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi Quảng Nam", thì Tây Giang đã sớm đổi tên thành lễ hội "Tạ ơn rừng".

Trên cái nền này, Tây Giang đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan