A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ sinh tình cờ phát hiện mắc virus viêm gan B thể ẩn

Theo thông tin từ Bệnh viện Medlatec, bệnh viện này đã tiếp nhận một nữ sinh viên tại Hà Nội sau 3 lần làm chỉ số xét nghiệm HBsAg (kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B) có lúc âm tính, có lúc dương tính khi đến khám ới biết chính xác nguyên nhân do mình bị nhiễm virus viêm gan B thể ẩn.

Tình cờ phát hiện mắc virus viêm gan B thể ẩn

Em L.T.H (21 tuổi, ở Hà Nội) hiện đang là sinh viên. Tháng 2/2023, em có tham gia hiến máu nên được làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường máu, khi đó kết quả xét nghiệm test nhanh HBsAg dương tính.

Năm tháng sau đó, em đến một bệnh viện tại Hà Nội thực hiện test nhanh HBsAg cũng cho kết quả dương tính.

Nữ sinh tình cờ phát hiện mắc virus viêm gan B thể ẩn

Xét nghiệm tổng phân tích máu tại Hệ thống Y tế Medlatec

Sau hai lần làm chỉ số xét nghiệm HBsAg đều cho kết quả dương tính, vì vậy, để kiểm soát tình trạng viêm gan B của mình, 3 tháng sau, em H lại tiếp tục đi kiểm tra nhưng lần này kết quả test nhanh cho âm tính.

Liên tiếp 3 lần xét nghiệm test nhanh có lần dương tính, có lần lại âm tính, không khỏi nghi ngờ và lo lắng về sức khỏe lá gan của mình, vì thế em H quyết định đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Xuân khám lại để biết chính xác căn nguyên, gốc rễ gây ra bất thường này.

Tiếp nhận bệnh nhân, ThS. BS Nguyễn Thị Thu Hương, Chuyên khoa Truyền nhiễm của Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Xuân khai thác và đã nắm được tiền sử. Do đó, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm tổng phân tích máu, chức năng gan, thận, xét nghiệm đánh giá sự hoạt động của virus và siêu âm ổ bụng có đàn hồi mô gan.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có một số chỉ số đáng lưu ý như sau: Xét nghiệm HBsAg miễn dịch tự động (-); HBcAb total (+) - xét nghiệm giúp bác sĩ đánh giá được bệnh có bị phơi nhiễm với virus viêm gan B hay không, kết quả xét nghiệm dương tính cho thấy bệnh nhân đang hoặc đã từng nhiễm virus viêm gan B; HBcAb IgM (-); HBV-DNA 755 copies/ml, xét nghiệm này nhằm xác định số lượng, hay nồng độ của virus, nhưng ở bệnh nhần này còn ở mức thấp; Siêu âm ổ bụng có đàn hồi mô gan: Polyp túi mật, độ đàn hồi của gan tương đương F0-F1.

Các bác sĩ đã kết luận bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm virus viêm gan B mạn tính thể HBsAg (-), tức là bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B tiềm ẩn. Để kiểm soát chặt chẽ sức khỏe của lá gan, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn theo dõi virus viêm gan B định kỳ.

Vì sao nên sàng lọc viêm gan B tiềm ẩn?

Nhiễm virus viêm gan B tiềm ẩn (Occult Hepatitis B Virus Infecion OBI) là tình trạng bệnh nhân xét nghiệm HBsAg huyết thanh âm tính nhưng có HBV DNA được phát hiện trong gan, có hoặc không được phát hiện trong máu; Ngoài ra, sự có mặt của anti-HBc trong huyết thanh cũng là một dấu ấn sinh học quan trọng để phát hiện OBI mặc dù khoảng 20% các trường hợp OBI anti-HBc âm tính.

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu cần thiết cho các trường hợp mắc viêm gan virus B kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu cần thiết cho các trường hợp mắc viêm gan virus B kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ

ThS. BS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: "Viêm gan B tiềm ẩn có khả năng lây nhiễm cho người xung quanh, cũng như có nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan ở bệnh viêm gan mạn tính. Vì vậy, việc sàng lọc nhiễm HBV tiềm ẩn ở những bệnh nhân có tiền sử viêm gan B cấp, hoặc mạn tính là cần thiết.

Việc chẩn đoán nhiễm HBV tiềm ẩn chủ yếu dựa vào 3 thông số: HBsAg âm tính, anti-HBc dương tính và HBV DNA ở mức độ thấp trong huyết thanh (<200 iu>

Để sàng lọc và chẩn đoán sớm nhiễm HBV tiềm ẩn, cũng như tránh bỏ sót bệnh, theo bác sĩ Hương, người dân cần chỉ định làm các xét nghiệm HBsAg, anti-HBc và HBV DNA ở các đối tượng có nguy cơ nhiễm HBV tiềm ẩn cao như: Bệnh nhân có bệnh sử trước đó bị nhiễm HBV cấp hay mạn tính; Bệnh nhân đồng nhiễm HBV với HCV (virus viêm gan C) hoặc HIV (suy giảm miễn dịch mắc phải ở người); Người cho máu, người hiến cơ quan cấy ghép, người nhận ghép tạng; Bệnh nhân đang điều trị hóa trị liệu, hoặc trị liệu anti-CD20; Bệnh nhân Thalassemia và những bệnh nhân Hemophilia; Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo; Bệnh nhân có các bệnh liên quan đến bệnh gan không rõ nguyên nhân (cryptogenic); Bệnh nhân đang điều trị lamivudine hoặc interferon; Những trẻ em đang trong thời gian tiêm chủng HBV, đặc biệt là ở vùng dịch tế cao của HBV.

Giai đoạn viêm gan B mạn tính tiềm ẩn thường kéo dài rất lâu, thậm chí có thể từ 15-30 năm mà người bệnh ít có triệu chứng đặc biệt. Khi bệnh kéo dài, người bệnh không sản sinh ra kháng thể, dẫn đến mạn tính. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh, nghiêm trọng nhất là có thể gây xơ gan, ung thư gan.

Chia sẻ về trường hợp em sinh viên L.T.H, ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: "Bệnh nhân này rất may mắn phát hiện nhiễm virus viêm gan B tiềm ẩn trong lần tình cờ khi đi hiến máu. Với tinh thần cảnh giác và ý thức kiểm tra định kỳ của bệnh nhân, do đó khi thấy kết quả khác nhau giữa các lần kiểm tra, bác sĩ đã cho bệnh nhân làm các xét nghiệm chuyên sâu thì may mắn tìm ra chính xác nguyên nhân gây kết quả bất thường. Khi biết kết quả chính xác, bệnh nhân sẽ được quản lý sức khỏe theo tư vấn cách hướng dẫn theo dõi định kỳ của bác sĩ".

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Chuyên gia Truyền nhiễm, Hệ thống Y tế MEDLATEC, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết: "Những trường hợp mắc viêm gan thể ẩn chiếm khoảng 10% trong số ca mắc viêm gan B mạn tính. Trường hợp này cần tiếp tục theo dõi như một bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính thông thường. Nếu tải lượng virus thấp, men gan không tăng, mức độ xơ hóa gan tốt thì tiếp tục theo dõi 6 tháng 1 lần".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật