A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhu cầu tiêm vaccine cúm tăng mạnh

Lo ngại dịch cúm vào mùa, dễ bị lây nhiễm, nhiều người dân chủ động đi tiêm vaccine cúm.

Nhu cầu tiêm vaccine cúm tăng mạnh

Người dân lo lắng đi tiêm vaccine cúm. Ảnh: Hương Giang

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết: Nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm trong những ngày qua đang tăng mạnh, các điểm tiêm đều đông lên, có những điểm tiêm tăng gấp đôi, gấp ba.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, "ngày thường không ai để ý, không đi tiêm, đến lúc bắt đầu có dịch bệnh nhiều người dân đổ xô đi tiêm. Sẽ có thể chậm, muộn trong phòng dịch."

Ông nhấn mạnh rằng người dân cần chủ động tiêm vaccine "định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, tiêm đón đầu cho mùa dịch." Bởi lẽ, "thông thường vaccine không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Tất cả các loại vaccine đều có kháng thể sau ít nhất 1 tuần, sau 2 tuần kháng thể tăng cao, đạt khả năng phòng dịch tối đa sau 1 tháng".

Do đó, tiêm phòng sớm, trước khi dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bảng giá vaccine cúm tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. Ảnh: Hương Giang

Bảng giá vaccine cúm tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. Ảnh: Hương Giang

Ghi nhận của phóng viên tại trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho thấy, nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tăng gấp đôi trong vòng 1-2 tháng qua. Điều này xuất phát từ sự thay đổi thời tiết và gia tăng nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phòng bệnh chủ động trước những thông tin về dịch bệnh diễn ra trên diện rộng.

Tiêm vaccine cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm. Tổ chức Y tế Thế giới thông báo, việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm tỉ lệ tử vong do cúm đến 70 - 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% - 90%.

Tính riêng với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, tiêm vaccine có thể giảm 35% tỉ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân tim mạch, giảm 58% tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, giảm 70% tỉ lệ tử vong ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bảng giá Vaccine cúm tại Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu. Ảnh: Hương Giang

Bảng giá vaccine cúm tại Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu. Ảnh: Hương Giang

Bác sĩ Lê Thanh Khôi - Trưởng hội đồng Y khoa, Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu - cho biết: Cúm gây các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh thông thường và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi.

“Để bảo vệ sức khỏe cá nhân, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, việc chủ động tiêm vaccine cúm là rất quan trọng và nên thực hiện càng sớm càng tốt” - BS Khôi nhấn mạnh.

Thông thường, cúm thường diễn biến biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ cao trở nặng hơn.

Trong khi đó, số liệu tại Hệ thống tiêm chủng VNVC cho thấy số lượng người dân chủ động đi tiêm cúm gia tăng gần 200% so với ngày thường. Đặc biệt nhóm người lớn, người cao tuổi chiếm gần 50%.

Bảng giá vaccine cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Hương Giang

Bảng giá vaccine cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Hương Giang

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, đại diện hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, mặc dù dịch bệnh cúm đang có xu hướng gia tăng, nhiều ca bệnh biến chứng nặng, nhưng tại hệ thống, tỉ lệ tiêm chủng vaccine cúm của người dân vẫn đang ổn định, chưa có biến động mạnh.

Những đối tượng dễ bị biến chứng nặng của cúm gồm người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường. Một trong những biến chứng nguy hiểm của cúm là viêm phổi.

Đại diện hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho biết, người đã tiêm vaccine cúm có nguy cơ phải nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm.

Ở người cao tuổi và những người mắc bệnh nền, vaccine có thể giảm 70 - 80% tỉ lệ tử vong liên quan đến cúm. Đặc biệt, vaccine cúm cũng giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu và giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi phải nhập viện do cúm.

Hiện tại, Việt Nam có hai loại vaccine cúm tứ giá thế hệ mới, phòng 4 chủng virus cúm phổ biến: cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria, dành cho cả trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Vaccine này có hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%, đồng thời giúp ngăn ngừa các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim và suy hô hấp.

Theo Bộ Y tế, năm 2024 ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số ca tử vong tăng 5 trường hợp. Các chuyên gia cảnh báo, người có bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật