A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ nhiễm sán vì thói quen ăn gỏi, thịt sống

Mới đây, Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam (31 tuổi, người dân tộc Thái ở Điện Biên) nhập viện trong tình trạng tràn dịch, tràn khí màng phổi sau khi ăn gỏi cua sống. Thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi có nguy cơ lớn dẫn đến nhiễm sán hoặc ấu trùng sán.

Nuôi… ký sinh trùng trong cơ thể vì thường xuyên ăn gỏi, thịt tái

Các bệnh viện đã ghi nhận nhiều bệnh nhân do thường xuyên ăn các món thịt sống, gỏi mà nhiễm sán giống như trường hợp bệnh nhân nam tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nói trên.

Tại bệnh viện, sau khi làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy, bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi).

PGS. TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

PGS. TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, trước đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân lên chơi nhà bạn ở Lai Châu và có ăn món gỏi cua sống. Sau vài tuần, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, buồn nôn, khi hoạt động gắng sức cảm thấy bị khó thở, đuối sức và ho. Bệnh nhân có đi khám nhưng không tìm ra bệnh.

Khi được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, với kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ đã cho chỉ định tìm sán và kết quả đúng như dự đoán, bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi). Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tẩy sán và chỉ sau vài ngày nằm viện bệnh nhân đã được xuất viện.

Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) đã tiếp nhận trường hợp một nam thanh niên (30 tuổi, quê Nam Định) nhập viện vì hoa mắt, đau đầu, từng bị ngất.

Bệnh nhân chia sẻ ban đầu, khi thấy bị hoa mắt, mệt mỏi, anh nghĩ do công việc bị áp lực quá lớn nên ảnh hưởng tới mắt. Tuy nhiên, dù đã khám mắt ở hai bệnh viện nhưng bác sĩ không phát hiện ra nguyên nhân khiến anh bị suy giảm thị lực.

Sau một tuần điều trị ở bệnh viện tuyến huyện không khỏi, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ. Từ kết quả chụp, các bác sĩ nghi ngờ anh có ổ sán trên não và giới thiệu lên Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội).

Theo kết quả phim chụp X-quang, các bác sĩ xác định người đàn ông này bị nhiễm ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương. Phim chụp X-quang cho thấy có nhiều nang sán rải rác trong não.

Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán lợn là do bệnh nhân này chia sẻ thường xuyên ăn các loại thịt lợn tái, tiết canh, gỏi...

Bệnh ấu trùng sán lây qua đường ăn uống

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: "Sán lá phổi là bệnh do ký sinh trùng Paragonimus westermani gây ra có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… là những địa phương có tập quán ăn món tôm, cua sống (ăn gỏi hoặc nướng chưa chín).

Ấu trùng sán lá phổi sau khi vào cơ thể người theo đường ăn uống, sẽ xâm nhập qua thành ruột non, vào khoang bụng. Sau đó xuyên qua cơ hoành đi lên phổi và tồn tại ở nhu mô phổi. Sán lá phổi trưởng thành sẽ đẻ trứng và trứng theo đờm ra ngoài hoặc người nuốt đờm trứng sẽ xuống đường tiêu hóa để ra ngoài theo phân.

Trứng rơi xuống nước, sau đó trứng nở thành ấu trùng lông. Ấu trùng sẽ xâm nhập vào ốc rồi ký sinh ở cua và tôm. Một thời gian sau, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, ho kéo dài, ho ra cả đờm lẫn máu, sút cân và dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong".

"Vì ho ra máu, ho tức ngực nên rất nhiều chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh khác như lao, viêm phổi, hay u phổi", BS Cường chia sẻ.

Ăn món gỏi cua sống, nam thanh niên bị nhiễm “sán lá phổi”

Người dân không nên ăn các món thịt sống hay gỏi tôm, gỏi cua

BS Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người dân ở vùng núi, nên ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, nhất là gỏi tôm, gỏi cua… Nếu xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, ho, đau ngực cũng cần làm thêm các chỉ định tìm sán, để tránh nhầm lẫn sang với các bệnh phổi khác.

Ngoài nguy cơ nhiễm sán lá phổi, các loại ấu trùng sán lợn, sán dây bò cũng dễ ký sinh trùng trong cơ thể của các bệnh nhân có thói quen ăn thức ăn chưa chín hoặc tái sống, nem chạo, thịt bò tái...

Điều đáng lưu ý, ấu trùng sán lợn thể thần kinh, não là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong khi đó sán dây bò ít có nguy cơ tổn thương lên não như sán dây lợn. Hơn thế nữa bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn thể thần kinh lại dễ bị chẩn đoán nhầm dẫn đến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.

Khi nhiễm, ấu trùng sán lợn sẽ chui qua thành ruột ruột vào hệ tuần hoàn, đi khắp cơ thể và ký sinh ở não; Có những trường hợp, nang sán ký sinh ở cơ mà người dân hay gọi là sán cơ.

Sán cơ có các u cục nổi dưới da như hạt ngô, hạt đậu tương khi ấn vào nó căng và đàn hồi, chìm trong cơ và cũng xuất phát từ nguyên nhân ăn các món nêu trên. Sán dây lợn có thể tạo thành các ổ tổn thương trong cơ, trong não, có thể gây viêm quanh năng gây tăng áp lực nội sọ trên não... Bệnh nhân mắc ấu trùng sán dây lợn có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, co giật, nhiều người có biểu hiện kích thích, có trường hợp có dấu hiệu kích động như tâm thần.

Cũng theo khuyến cáo của bác sĩ, để phòng ngừa các bệnh nhiễm ấu trùng sán, người dân nên định kỳ tẩy giun để bảo vệ sức khỏe bởi thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan