A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên tạm dừng dạy thêm làm thủ tục đăng ký kinh doanh

Nhiều giáo viên tại Nghệ An đang tạm dừng dạy thêm ngoài nhà trường để đăng ký kinh doanh theo quy định của Thông tư 29.

 

Giáo viên đến đăng ký dạy thêm tại Trung tâm giao dịch một cửa UBND thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Giáo viên đến đăng ký dạy thêm tại Trung tâm giao dịch một cửa UBND thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
 

Giáo viên đăng ký kinh doanh tăng đột biến

Thời điểm này bắt đầu vào cao điểm ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, nhưng anh Hoàng Đăng Sơn (SN 1993, phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) đang thông báo với phụ huynh, học sinh tạm dừng dạy thêm. Là giáo viên tự do, trước đó, anh Sơn từng có 5 năm dạy Toán cho một trung tâm trên địa bàn TP Vinh. Năm nay, anh quyết định mở lớp dạy tại nhà với quy mô nhỏ. Từ trước tết nguyên đán, anh đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, bao gồm cả các điều kiện khác về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Với kinh nghiệm dạy Toán cấp THCS, lớp của anh Hoàng Đăng Sơn được nhiều phụ huynh, học sinh tìm đến đăng ký học thêm, trong đó có nhiều em đang học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10. Tuy nhiên, khi Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT ban hành, anh Hoàng Đăng Sơn quyết định tạm dừng chưa triển khai dạy thêm để đăng ký kinh doanh theo các quy định hiện hành.

dang-ky-day-them-2.jpg

Cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Vinh hướng dẫn giáo viên làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Hồ Lài

Tương tự, chị Bùi Thị Nguyệt (TP Vinh) cũng đang trong quá trình đăng ký kinh doanh để tổ chức các lớp tiền tiểu học cho trẻ mầm non và luyện chữ đẹp cho học sinh. Chị Nguyệt tốt nghiệp ngành Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An trước đây. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, chị không xin vào giảng dạy tại đơn vị giáo dục công lập mà tự mở lớp tại nhà, chủ yếu theo hình thức dạy kèm. Việc dạy kèm tự phát nên chị cũng không thành lập trung tâm hay đăng ký kinh doanh. “Quy định mới được ban hành, ban đầu tôi khá lo lắng vì học sinh của tôi khá đặc thù, chủ yếu là các bé nhỏ tuổi, nên không biết công việc của mình có bị ảnh hưởng hay không. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, nhất là quy định các cháu lứa tuổi tiểu học vẫn được học các lớp kỹ năng thì tôi yên tâm hơn. Sau đó, tôi tìm hiểu thủ tục để đăng ký kinh doanh theo quy định”, chị Nguyệt cho biết.

Hiện các trường phổ thông công lập tại Nghệ An đã dừng dạy thêm có thu phí ở trường, và chỉ duy trì dạy miễn phí bồi dưỡng học sinh giỏi và một số tiết ôn thi cuối cấp. Chị Hoàng Thị Hồng (xã Nghi Kim, thành phố Vinh) có con đang học lớp 6 cho hay, hiện các lớp học thêm ở trường của con đã không tổ chức nữa. “Lớp học thêm ngoài nhà trường môn Toán và Tiếng Anh cũng được giáo viên thông báo tạm dừng để hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định. Là phụ huynh tôi cũng mong muốn lớp dạy thêm sẽ được mở lại, vì sau thời gian theo học, giáo viên cũng đã nắm được lực học, tính cách của con để có phương pháp phù hợp. Mặt khác, nếu đi học ở các trung tâm thì chi phí lớn hơn, chị Hoàng Thị Hồng chia sẻ.

Quản lý dạy thêm ngoài nhà trường

Theo Thông tư 29, giáo viên không dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Ngoài ra, với giáo viên thuộc các trường công lập cũng không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Qua tìm hiểu, nhiều giáo viên trường công lập muốn dạy thêm ngoài nhà trường đứng trước một số lựa chọn ký hợp đồng lao động với trung tâm hoặc nhờ người khác đứng tên giấy phép đăng ký kinh doanh.

Một giáo viên đang công tác tại Trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết, hiện đã dừng dạy thêm trực tiếp tại nhà và đang đăng ký kinh doanh dạy thêm trực tuyến. Tuy nhiên, để theo đúng quy định, giấy phép kinh doanh do người nhà đứng tên. Giáo viên này cho biết: “Các thủ tục không quá phức tạp, học sinh tham gia học thêm theo hình thức trực tuyến và không phải là những em mà tôi đang trực tiếp giảng dạy trên lớp. Tuy nhiên, có một số em đang trong đội tuyển học sinh giỏi, hoặc hoàn cảnh khó khăn thì tôi dạy kèm miễn phí”.

 

Anh Hoàng Đăng Sơn cũng cho rằng Thông tư 29 ra đời là phù hợp để quản lý dạy thêm, học thêm của các trung tâm hoặc cá nhân tự tổ chức. “Trên địa bàn thành phố Vinh có nhiều trung tâm và cả cá nhân nhiều giáo viên mở lớp dạy thêm với mức thu, nguồn thu của các giáo viên khác nhau. Vì thế, việc quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường là phù hợp và giáo viên phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ, kể cả việc nạp thuế. Bản thân tôi cũng sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm khi đăng ký kinh doanh”, anh Sơn chia sẻ.

Chị Đặng Thị Lan Phương – cán bộ Phòng Tài chính kế hoạch của UBND thành phố Vinh, trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa thông tin, trước đây mỗi ngày làm việc vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, Phòng nhận khoảng 70 hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ gia đình (với nhiều ngành nghề khác nhau). Tuy nhiên, gần đây số lượng hồ sơ đã tăng gấp đôi. Trong đó có nhiều người đến hỏi thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm. Những người dạy tự do trực tiếp đăng ký kinh doanh. Còn nhiều giáo viên đang công tác tại trường công lập có thể do người nhà đứng tên.

Theo đại diện của Phòng Tài chính - kế hoạch UBND TP Vinh, trước khi làm thủ tục tại trung tâm giao dịch 1 cửa, người đăng ký kinh doanh sẽ làm đơn đăng ký hộ kinh doanh và gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch. Ngành nghề kinh doanh theo quy định với dạy thêm học thêm đó là “giáo dục khác chưa được phân vào đâu”, mã ngành 8559. Ngoài đăng ký trực tiếp, cá nhân cũng có thể đăng ký kinh doanh qua cổng dịch vụ công quốc gia.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật