Du lịch Hà Nội sẵn sàng cho mùa Thu lịch sử
Hiếm có năm nào đặc biệt như năm 2025, chỉ vài tháng sau lễ diễu binh, diễu hành tại TP Hồ Chí Minh chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì Hà Nội cũng đang sẵn sàng cho một buổi lễ quy mô chào mừng 80 năm ngày Quốc khánh. Từ nay đến ngày 2.9, Hà Nội sẽ trở thành một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm, đặc biệt là khách du lịch. Và Hà Nội đã chuẩn bị thế nào cho một mùa Thu lịch sử?
Sự kiện "Ngày hội văn hóa vì hòa bình," kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Minh Sơn
Em gái tôi từ Hà Nội vào tận Quảng Trị lập nghiệp đã gần 20 năm. Thông thường, mỗi năm em gái tôi chỉ trở lại Hà Nội thăm bố mẹ vào dịp Tết. Hôm rồi, cô gọi điện giọng chắc nịch: “Em sẽ ra Hà Nội nhưng với tư cách là một khách du lịch. Đời em chưa bao giờ được xem trực tiếp một lễ diễu binh, diễu hành nào. Hôm rồi xem trên TV trực tiếp lễ diễu binh, diễu hành trong TP Hồ Chí Minh mà em thấy xúc động quá, thế là em quyết luôn, rủ thêm nhóm bạn ở Đông Hà. Tất cả đã sẵn sàng rồi”.
Có lẽ, điều mong muốn của cô em gái tôi không phải là trường hợp hiếm. Từ đầu tháng 7, lượng du khách từ khắp các tỉnh thành đặt chỗ để về Hà Nội bắt đầu tăng nhanh. Các tour “Xem diễu binh - khám phá mùa Thu Hà Nội” được chào bán từ tháng 6 và nhanh chóng cháy chỗ. Đặc biệt là các gói 4 ngày 3 đêm tại nhiều khách sạn gần Quảng trường Ba Đình, hồ Gươm, khu phố cổ.
Văn Thành, một bạn trẻ tôi quen, được bố mẹ giao quản lý homestay nhỏ gần Hồ Tây nói: “Lượng khách đặt tour dịp lễ Quốc khánh tăng từ 20 - 25% so với năm ngoái. Hà Nội năm nay là điểm đến rất hút khách nhờ sự kiện diễu binh kỷ niệm 80 năm thành lập nước. Homestay của của gia đình tôi kín chỗ rồi".
Thành nói thêm: Chỉ còn vài tuần nữa là đến dịp lễ lớn, nhiều khách sạn trong bán kính 1km quanh Lăng Bác đã kín phòng. Những con phố như Sơn Tây, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong... trở nên sôi động lạ thường. “Ngay khi có thông tin chính thức về lễ diễu binh, chúng tôi đã nhận được hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. Khách hỏi không chỉ về phòng mà cả lộ trình đoàn đi qua, địa điểm ngắm tốt nhất, giờ nên ra sớm... Cả khách nội địa lẫn khách Việt kiều đều háo hức” - Thành cho hay.
Một số khách sạn quy mô nhỏ phụ thu thêm 20 - 30% so với ngày thường. Tuy nhiên, các khách sạn từ 4-5 sao vẫn còn chỗ, đặc biệt là những cơ sở xa trung tâm hơn một chút - tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng.
Trước sự lo lắng về việc khó đặt chỗ lưu trú, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội trấn an du khách: “Hà Nội có hơn 71.000 phòng lưu trú, đủ phục vụ lượng khách lớn. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân tận dụng mô hình Airbnb, homestay để tăng thêm chỗ ở, đồng thời bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn”.
Nắm bắt tâm lý khách hàng, nhiều doanh nghiệp du lịch không chỉ bán tour xem diễu binh mà còn thiết kế những hành trình gắn với dấu ấn lịch sử.
Giám đốc truyền thông một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi có tour "Nhớ về mùa Thu tháng Tám" qua các điểm: Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Lớn, Tượng đài Bắc Sơn, Quảng trường Ba Đình, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc... Kết hợp giữa hành trình lịch sử và không gian văn hóa, khách hàng phản hồi rất tốt”.
Nhiều gia đình chọn gói Hà Nội - Hạ Long - Ninh Bình, với hai đêm nghỉ tại Thủ đô.
**
Việc du khách đổ về Hà Nội dự kiến tăng vọt trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới đây không chỉ là dịp Hà Nội giới thiệu mình, khẳng định là nơi mến khách, Thủ đô ngàn năm văn hiến mà còn là nơi khẳng định thành tựu của đất nước, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một địa chỉ được du khách “đặt chỗ” để tìm đến vào những ngày mùa Thu lịch sử đó chính là triển lãm thành tựu đất nước sau 80 năm Quốc khánh. Đây là triển lãm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước không chỉ bởi quy mô mà còn ý nghĩa của nó.
Hồi đầu tháng 7, tại cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng về công tác chuẩn bị, triển khai tổ chức triển lãm thành tựu đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh 2.9 với chủ đề "80 năm hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" tại trung tâm Triển lãm Việt Nam (đường Trường Sa, xã Đông Anh, TP Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh: Tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh, chúng ta sẽ có một chuỗi các sự kiện và Triển lãm là một trong những điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này.
“Triển lãm sẽ giới thiệu các thành tựu nổi bật, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giáo dục truyền thống và làm lan tỏa khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển. Qua đó góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, niềm tin vào tương lai phát triển xán lạn của đất nước” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.
Thế nhưng, Hà Nội không chỉ là nơi để đến, để tham quan, mà cần phải là nơi để nhớ.
Và cũng chính lúc này, một câu hỏi lớn được đặt ra: Người dân Hà Nội cần làm gì để cùng thành phố khẳng định hình ảnh Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, mến khách trong mắt bạn bè quốc tế và du khách?
Hà Nội không đơn thuần là điểm dừng chân du lịch. Với nhiều người dân khắp mọi miền, đây là nơi thiêng liêng để tìm về trong những dịp trọng đại của đất nước. Ngày Quốc khánh, Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác Hồ, Cột cờ Hà Nội, Nhà hát Lớn hay các tuyến phố cổ, Hồ Gươm... không chỉ là những “check-in points” du lịch, mà là biểu tượng văn hóa - lịch sử.
Tôi đã từng hỏi lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về lữ hành: Liệu chúng ta - những người Hà Nội - có đủ bản lĩnh để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi lẽ, Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề, mà thời gian thì gấp rút. Đơn cử như hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách không phải những di tích, mà là cây xanh ven đường, độ trong của không khí, màu rác nơi vỉa hè. Một Thủ đô xanh phải bắt đầu từ sự ngăn nắp, gọn gàng, từ chiếc thùng rác có nắp đậy, cây hoa được cắt tỉa, và các tuyến phố không bị che khuất bởi quảng cáo, dây điện chằng chịt hay vỉa hè lộn xộn.
Anh bạn tôi nói rằng: "Vai trò của người dân là quan trọng. Không vứt rác bừa bãi, không xả rác ra hồ, không đổ nước thải xuống đường, không bẻ cây, giẫm hoa. Đó không phải là những việc lớn, nhưng chính là biểu hiện của một thành phố văn minh".
Dịp lễ lớn là lúc nhiều du khách sẽ ở lại nhà dân, thuê Airbnb, vào các quán ăn, cửa hàng tạp hóa. Những hành vi nhỏ như nói lời “cảm ơn”, “xin mời”, giữ thái độ niềm nở, phục vụ đúng giá, không chặt chém... chính là cách để người dân Hà Nội “quảng bá du lịch bằng hành động”.
Nên nhớ, một tách trà đá miễn phí, một lời chỉ đường tử tế, một quán ăn không tăng giá dịp lễ - tất cả có thể khiến du khách yêu Hà Nội hơn bất kỳ chiến dịch truyền thông nào.
Hà Nội đã từng có thời gian được khen vì sự “lịch lãm, nhẹ nhàng, trầm mặc”. Nhưng vài năm trở lại đây, một số hình ảnh thiếu thân thiện như như đốt rác tự phát, xả rác tại hồ, nói chuyện to tiếng, tranh cãi với khách du lịch, thậm chí chặt chém, tăng giá taxi... đã phần nào làm xấu đi thương hiệu “người Tràng An thanh lịch”.
Hãy xem dịp lễ 2.9 là cơ hội để lấy lại hình ảnh đẹp ấy - bằng việc chỉnh trang nhà cửa, làm đẹp mặt tiền phố phường, dọn vệ sinh hẻm nhỏ, cổng trường, bến xe, nhà ga.
Mỗi người dân, nhất là người trẻ, hãy học cách “giữ bình tĩnh trong đám đông”, “không chen lấn xô đẩy”, “không livestream quá khích, gây cản trở giao thông”, “giữ khoảng cách và lịch sự với du khách nước ngoài”.
Du lịch là sự trải nghiệm, và trải nghiệm đẹp nhất bắt đầu từ con người. Dịp 2.9 năm nay, Hà Nội có cơ hội lớn để ghi dấu ấn không chỉ bằng các nghi lễ trọng thể, mà bằng chính đời sống sinh hoạt của hàng triệu cư dân Thủ đô.
Hãy để du khách khi rời Hà Nội, mang theo ký ức về một thành phố cổ kính mà tươi mới, đông đúc mà không ngột ngạt, lễ nghi mà vẫn ấm áp, chỉn chu mà vẫn gần gũi.
Muốn làm được điều đó - không ai khác, người dân Hà Nội phải là “đại sứ du lịch” trong chính ngôi nhà của mình.
Người Hà Nội, cùng với ngành du lịch Thủ đô, hãy sẵn sàng cho mùa Thu lịch sử.