Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa
Vấn đề phát triển văn hóa giáo dục Thủ đô nhìn từ góc độ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cũng được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Luật Thủ đô đang được gấp rút sửa đổi để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Đây là cơ hội để tạo bước chuyển đột phá cho Hà Nội.
Sau hơn 9 năm thực hiện, theo đánh giá của Chính phủ, Luật Thủ đô hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, thì việc sửa Luật Thủ đô đã trở nên hết sức cần thiết.
Cần có bước đi phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa (Ảnh minh họa) |
Quan điểm được xác định ngay từ những bước đầu tiên của quá trình đề nghị xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội khác với pháp luật hiện hành hoặc chưa có quy định để khai thác tốt các thế mạnh của Thủ đô.
Dự thảo Luật Thủ đô lần thứ hai (phiên bản ngày 27/7/2023) gồm 7 chương, 60 điều đã được thiết kế theo định hướng trên. Theo các chuyên gia, vẫn còn rất nhiều quy định cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, trong đó có quy định về phát triển văn hóa, giáo dục từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa.
Tại hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo) do Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp và trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây, vấn đề phát triển văn hóa giáo dục Thủ đô nhìn từ góc độ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng được nhiều chuyên gia đề cập.
Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, có bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Nghị quyết có mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Mục tiêu đặt ra là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Cần bước đi phù hợp
Theo TS Phạm Đắc Thi - trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội: Điều 24 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định các chính sách đặc thù để bảo vệ và phát triển văn hóa như quy định phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với một số đối tượng; Có chính sách ưu đãi phát triển một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội đề xuất 9 chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có chính sách về “Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô” (Chính sách 6).
Nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng, phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, chúng ta cần bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục, hướng nghiệp, kết nối với xã hội để sẵn sàng cho tương lai.
Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, khi có giáo dục, định hướng phù hợp thì đó chính là hình thức giáo dục sáng tạo quan trọng. Hình thức giáo dục này cùng với giáo dục khoa học sẽ hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, góp phần thúc đẩy tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo của khu vực, thành phố kết nối toàn cầu. Đó chính là mục tiêu mà công nghiệp văn hóa mang lại.
Nhìn tổng thể, thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể; Tạo lập đồng bộ các công cụ pháp lý trong xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Tuy nhiên, theo TS Phạm Đắc Thi, hệ thống giải pháp chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, còn giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa hiện chưa được đề cập cụ thể.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực; Là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực Châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế; Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.
Theo TS. Trịnh Thúy Hương - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TSTrịnh Thúy Hương kiến nghị bổ sung điều mục về “Phát triển công nghiệp” trong đó có phát triển “Công nghiệp văn hóa” tại Chương III Dự thảo để tương xứng với mục “Phát triển nông nghiệp, nông thôn” quy định tại Điều 35 chương này.