A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Nẵng: Phẫu thuật thành công bướu giáp khổng lồ trong lồng ngực bệnh nhân

Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ bướu giáp khổng lồ với kích thước khoảng 110x52mm trong cơ thể bệnh nhân.

Ngày 18/10, Bệnh viện Đà Nẵng thông tin, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực vừa thực hiện phẫu thuật cho cụ bà có bướu giáp chìm kích thước lớn. Khối u sa vào trung thất, chèn ép khí quản, thực quản gây nuốt vướng, khó thở.

Trước đó, bệnh nhân Trần Thị T (86 tuổi, ngụ tại An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng khó thở liên tục, không nằm được phải ngồi để thở, ăn uống nuốt nghẹn, hạn chế về hoạt động thể lực.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân có tiền sử bướu giáp trên 10 năm, tăng huyết áp, suy tim. Bệnh nhân được nhập khoa Nội hô hấp sau đó chuyển qua khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị phẫu thuật.

. Kết quả chụp CT cho thấy bướu giáp có kích thước lớn nằm sâu trong lồng ngực cụ bà Trần Thị T
Kết quả chụp CT cho thấy bướu giáp có kích thước lớn nằm sâu trong lồng ngực cụ bà Trần Thị T (Ảnh: Nguồn Bệnh viện Đà Nẵng)

Kết quả chụp CT cho thấy, bướu giáp kích thước lớn khoảng 110x52mm, lan từ vùng góc hàm xuống trung thất, chèn ép các cấu trúc lân cận (mạch máu, khí quản, thực quản…), tràn dịch màng phổi hai bên. Ngoài ra, bệnh nhân còn suy tim nặng, tăng áp phổi 60mmHg, khả năng tử vong cao.

Bệnh nhân được chẩn đoán bướu giáp thòng trung thất chèn ép và được chỉ định phẫu thuật cắt thùy phải tuyến giáp kèm bướu.

Sau 90 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ bằng đường mổ ngang cổ, không cần phải cưa xương ức của người bệnh. Theo đó, khối u lớn đã được lấy ra dài gần 20cm.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở đều, không còn tình trạng khó thở thanh quản, đang trong quá trình hồi phục sau mổ và đã được xuất viện.

. Bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ trực tiếp thăm khám, điều trị cho cụ bà Trần Thi T sau ca mổ.
Bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ trực tiếp thăm khám, điều trị cho cụ bà Trần Thi T sau ca mổ (Ảnh: Nguồn Bệnh viện Đà Nẵng)

Bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng, phẫu thuật viên chính của ê kíp mổ cho biết: Đây là trường hợp khối bướu giáp thòng xuống trung thất sâu nhất gây chèn ép mạch máu lớn, chèn ép tim, phổi, khí quản, gây nguy cơ chảy máu, suy hô hấp trong và sau mổ. Trong khi đó, bệnh nhân đã lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền nặng nên việc phẫu thuật rất nguy hiểm, nguy cơ rủi ro cao.

Cũng theo bác sĩ Vũ, việc phẫu thuật không cần cưa xương ức mà chỉ sử dụng mổ đường ngang cổ để bóc tách khối u, giúp bệnh nhân tránh cuộc đại phẫu nguy hiểm, nhiều biến chứng.

“Phẫu thuật cắt tuyến giáp ở cổ không phức tạp, tuy nhiên nếu để muộn, bướu giáp chìm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến khi can thiệp điều trị. Một số trường hợp đến quá muộn, khối u sẽ lan rộng, chèn ép gây tắc khí quản, có thể dẫn tới tử vong.

Vì vậy người dân nên ăn uống đầy đủ chất, muối iod, tăng cường thức ăn từ biển như hải sản, rong biển...; Đồng thời đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ để được khám, tư vấn, can thiệp và điều trị sớm”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan