A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu sinh viên ĐH Thương mại quyết định đi du học ở... CHÂU PHI: Ý tưởng lạ lùng thu về trái ngọt, cuộc sống hiện tại quá đỉnh!

'Con người giàu có không phải ở tiền bạc mà giàu có bởi trải nghiệm. Hãy cố gắng trải nghiệm tối đa bởi nó sẽ giúp bạn trưởng thành, hiểu hơn về chính mình và khiến bản thân không hối tiếc. Đừng nên sống bằng trải nghiệm của người khác bởi đó là của họ, không phải là của bạn', chị Việt Anh chia sẻ.

Chị Nguyễn Việt Anh, 29 tuổi, Hà Nội hiện đang là Phó Giám đốc phụ trách Media, Marketing và Sale cho một công ty tư vấn du học có tiếng. Trước khi gắn bó với công việc này, chị từng là du học sinh có 7 năm học tập tại Pháp và Ma-rốc. Nhờ chăm chỉ, nỗ lực không ngừng đã giúp chị gặt hái được nhiều thành quả ngọt ngào. Chị Việt Anh từng 2 lần nhận học bổng toàn phần cho chương trình Đại học và Thạc sĩ.

Với chị Việt Anh, học tập bao nhiêu vẫn là chưa đủ. Hiện công việc chị đang làm không phải là ngành học trước đó nhưng chị vẫn làm việc tận tâm tận sức, không ngừng mày mò học hỏi. Chị cho rằng, chỉ nhờ tinh thần tự học phi thường cùng sự quyết tâm, bản lĩnh mới có thể chinh phục được ước mơ.

Một số thành tích mà chị Việt Anh đạt được:

- Học sinh top 1 với GPA cao nhất khối trong suốt 3 năm học THPT.

- Học bổng Lawrence S.Ting cho học sinh THPT xuất sắc lớp 11.

- Giải Ba thi Olympic Toán THPT cụm Cầu Giấy - Thanh Xuân.

- Lớp trưởng, cán bộ của BCH Đoàn trường THPT (Nhận giấy khen của Quận đoàn Bắc Từ Liêm cho học sinh có hoạt động Đoàn thanh niên xuất sắc).

- Giấy khen cho sinh viên xuất sắc của trường Đại học Thương mại.

- Sinh viên năm nhất có GPA cao nhất khoa Kế toán - Kiểm toán (GPA 3.6/4.0).

- Học bổng Hiệp định Chính phủ Việt Nam – Ma-rốc toàn phần cho bậc cử nhân. Thủ khoa tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Quản lý, chuyên ngành Kế toán Tài chính - GPA 15.9/20.0 tại Đại học Mohamed V Rabat (Ma-rốc).

- Học bổng Chính phủ Pháp Eiffel 2017 cho sinh viên xuất sắc theo học bậc Thạc sĩ Tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính, Viện Quản lý Montpellier, Đại học Montpellier, Pháp với GPA 14.9/20.0.

Chọn 1 đất nước khác lạ để… du học, 4 năm sau nhận thành quả ngọt ngào

Từ khi còn học bậc THCS, THPT, chị Việt Anh đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, phong trào của Đoàn trường. Nhận thấy bản thân là người hướng ngoại, tính cách sôi nổi, thích tổ chức các chương trình/sự kiện nên chị mong muốn theo ngành Báo chí – Truyền thông. Ước mơ là vậy nhưng sau khi được gia đình đưa ra lời khuyên, chị đã đi theo chuyên ngành Kinh tế - Tài chính.

Chị Việt Anh cho biết: "Trong gia đình không có ai theo nghề báo nên bố mẹ sợ con đường sau này tôi đi gặp nhiều thách thức. Mẹ cũng định hướng cho tôi học Tài chính, không hẳn khi ra trường sẽ làm cho các công ty, tập đoàn mà có thể trở thành giảng viên. Như vậy, tôi vẫn có cơ hội truyền cảm hứng với mọi người. Công việc này phù hợp với tính cách tôi. Thấy lời khuyên hợp lý nên tôi đã nghe theo mẹ dù vẫn còn nuối tiếc".

Sau một năm theo học bậc Cử nhân tại Đại học Thương mại, chị Việt Anh cảm thấy cuộc sống có phần tẻ nhạt. Chị quyết định "làm mới" bản thân bằng cách ra nước ngoài học tập. Vì là sinh viên xuất sắc của trường nên chị nhận được suất học bổng toàn phần của chính phủ Ma-rốc. Ngôi trường mà chị theo học có tên là Đại học Mohamed V Rabat.

Trong khi các bạn trẻ chọn đi du học ở các quốc gia phát triển như: Nga, Mỹ, Đức, Ý,… thì chị lại chọn đất nước Ma-rốc xa xôi với nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Thời gian đầu, chị cũng băn khoăn giữa bộn bề suy nghĩ: "Liệu đây có phải quyết định đúng đắn?", "Liệu mình có "sống sót" nổi sau một học kỳ?", "Mình sẽ học một ngôn ngữ mới ở tận châu Phi như thế nào?",...

Trong cô gái trẻ khi ấy là hàng vạn những suy tư, đắn đo. Tuy nhiên, cơ hội chỉ đến một lần trong đời, nếu không tận dụng thì cơ hội sẽ vuột qua mất. Nhận thức được điều đó, chị Việt Anh quyết định bước ra khỏi vùng an toàn.

Khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải là việc trau dồi 2 ngôn ngữ: Tiếng Pháp cho việc học tập và đôi chút tiếng Ả Rập cho cuộc sống thường nhật. Thời gian đầu, chị Việt Anh "toát mồ hôi" mỗi khi bắt buộc phải trò chuyện với người bản địa ở chợ. "Những người bán hàng ở chợ chỉ số ít biết tiếng Pháp/Anh. Họ chỉ nói tiếng Ma-rốc - thứ tiếng được tạo từ tiếng Ả Rập pha trộn với nhiều ngôn ngữ khác. Sau này, khi đã sinh sống một thời gian dài, tôi mới có thể giao tiếp cơ bản, đủ cho việc đi chợ của mình", chị Việt Anh tâm sự.

Về tiếng Pháp – ngôn ngữ bắt buộc sử dụng khi đến trường cũng từng là thách thức đối với chị. Chị Việt Anh cho biết, trong Tiếng Pháp và Tiếng Anh có nhiều từ vựng tương đương nên nếu bạn học tiếng Anh tốt thì khi chuyển sang tiếng Pháp sẽ không gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều từ cổ Tiếng Anh có nguồn gốc từ Tiếng Pháp. Kỹ năng khó nhất trong Tiếng Pháp đó là kỹ năng Nghe.

Cô gái Hà Nội trải lòng: "Theo tôi, học tiếng gì cũng cần đặt cao vai trò của thực hành. Cách học tốt nhất là sử dụng ngôn ngữ đó trong quá trình sinh sống, hãy tự tạo cho mình môi trường để rèn luyện. Hãy nói nhiều, nghe nhiều để cải thiện năng lực.

Tôi thấy nhiều bạn có tâm lý ngại ngùng khi chưa giỏi ngoại ngữ. Đây là suy nghĩ cực sai lầm. Tôi nghĩ ngoại ngữ chỉ là công cụ giao tiếp. Và mọi người không thể đánh giá trình độ học vấn, nhân cách thông qua ngoại ngữ được. Nói dở, phát âm không hay cũng chẳng sao, miễn là người đối diện hiểu. Thậm chí nói sai ngữ pháp, nói bồi cũng được. Đừng ngại, bạn phải chủ động giao tiếp mới giúp bản thân sớm hoàn hảo, chúng ta đừng đợi đến lúc hoàn hảo mới dám nói. Bởi nếu cứ chờ đợi mà không cố gắng thì biết đến bao giờ mới hoàn hảo?".

Với tinh thần không ngại khổ, không ngại khó đã giúp chị Việt Anh trở thành Thủ khoa tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Quản lý, chuyên ngành Kế toán - Tài chính với GPA 15.9/20.0. Chị được thầy cô tận tình giúp đỡ, viết thư giới thiệu sang học chương trình Thạc sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học.

Nữ sinh Việt 2 lần dành học bổng toàn phần của chính phủ: Chọn đất nước mới lạ để du học, 4 năm sau nhận trái ngọt - Ảnh 4.

Việc học tập vất vả, áp lực nhưng chị Việt Anh luôn nỗ lực vươn lên.

Giống như lần đi du học đầu, chị Chị Việt Anh tiếp tục nhận học bổng toàn phần. Đây là suất học bổng của chính phủ Pháp, mang tên Eiffel, giúp sinh viên trở nên "giàu có". Học bổng Eiffel là niềm mơ ước của rất nhiều người bởi nó hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ vào mỗi tháng; chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm bổ sung; miễn 100% học phí; miễn phí vé máy bay khứ hồi Việt-Pháp, visa; được tham dự 100% các hoạt động văn hóa, du lịch,…

Vì đã có 4 năm học tập tại Ma-rốc – một đất nước có nền văn hóa tương đồng với Pháp nên khi sang Pháp học tập, chị Việt Anh không bị sốc tinh thần. "Thời điểm đó, tôi cảm thấy bản thân đã trưởng thành. Tôi còn tự tin nói với mẹ rằng giờ thả con ở đâu, con cũng sống được. Tôi không còn sợ việc bắt đầu với môi trường mới", cô gái Hà Nội nhớ lại.

Nói vậy không có nghĩa là không có thách thức. Chương trình bậc Thạc sĩ khó hơn so với bậc Đại học rất nhiều khiến cô gái trẻ bị choáng ngợp ở thời gian đầu. Các môn chuyên ngành Tài chính được nâng cao, khối lượng kiến thức rộng khiến chị Việt Anh phải thay đổi chiến lược học tập. Chị dành nhiều thời gian nghiên cứu, đào sâu và dành sự tập trung cao độ. Việc kiểm tra mỗi môn trên lớp cũng khá khắt khe. Sinh viên không được mang bài luận về nhà làm. Mọi bài kiểm tra đều phải thực hiện ngay trên lớp, dưới sự giám sát của giáo viên.

"Tôi nhớ mãi giờ kiểm tra môn Luật. Giảng viên chỉ đưa ra đề bài gồm vẻn vẹn 1 dòng trên tờ giấy. Chúng tôi không được phép dùng điện thoại, máy tính để tìm kiếm thông tin.

Việc học rất áp lực, tôi thấy nhiều sinh viên bỏ về nước giữa chừng. Nhiều bạn không thi qua 1-2 học kỳ sẽ cảm thấy mặc cảm, chán nản, không còn động lực học tập. Và việc không có ai ở bên chia sẻ, động viên sẽ khiến các bạn ấy trượt dài trên thất bại", chị Việt Anh cho biết.

Vượt qua những khó khăn, chị Việt Anh tập trung học tập, đi thực tập để nâng cao kiến thức cùng kỹ năng. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp, chị được một số công ty ở Việt Nam mời về làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn.

Nữ sinh Việt 2 lần dành học bổng toàn phần của chính phủ: Chọn đất nước mới lạ để du học, 4 năm sau nhận trái ngọt - Ảnh 5.

Chị Việt Anh là một trong những sinh viên xuất sắc khi có tới 2 lần đạt học bổng toàn phần cho chương trình Đại học và Thạc sĩ.

Học hết sức, chơi hết mình – Có những kỷ niệm tuyệt vời bên những người bạn ngoại quốc

Với chị Việt Anh, du học không chỉ mở ra cơ hội học tập, phát triển bản thân mà còn đem đến cho chị những kỷ niệm tuyệt vời. Chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi trong gần 7 năm sinh sống tại nước ngoài, chị luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ thầy cô và bạn bè.

Nhớ về quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp, chị Việt Anh hào hứng kể về "thương vụ bạc tỷ" mà chị cùng bạn bè thực hiện, đó là việc làm nem mang ra chợ bán. Trong dịp nghỉ hè năm đầu tiên, vì cảm thấy nhàn rỗi và muốn có thêm trải nghiệm, chị Việt Anh đã làm nem Việt Nam bằng những nguyên liệu sẵn có để bán cho người bản địa. Nhân nem sẽ được thay bằng thịt gà xay hoặc thịt bò xay bởi người dân ở đây không ăn thịt heo.

Không ngờ "start-up" của chị thành công ngoài mong đợi. Mỗi ngày, nhóm chị bán được khoảng 400 – 500 cái nem tại chợ dân sinh. Thậm chí, có nhiều cửa hàng còn liên hệ đề xuất nhập nem do chị làm để về bán. Tuy nhiên, chị chỉ làm để lấy trải nghiệm. Còn những mùa hè sau, chị về Việt Nam thăm gia đình, học thêm tiếng, đi thực tập để nâng cao năng lực bản thân.

Nữ sinh Việt 2 lần dành học bổng toàn phần của chính phủ: Chọn đất nước mới lạ để du học, 4 năm sau nhận trái ngọt - Ảnh 6.

Nữ sinh có những kỷ niệm tuyệt vời bên những người bạn ngoại quốc.

Dù ở nơi đất khách quê người nhưng chị Việt Anh không khi nào cảm thấy cô đơn. Vào những dịp lễ Tết, các bạn thường mời chị về nhà chơi. Dù khác biệt văn hóa, ngôn ngữ nhưng chị hạnh phúc khi có thêm một gia đình mới. Những dịp ấy, chị sẽ cùng gia đình bạn thưởng thức món ăn truyền thống, chụp ảnh lưu niệm và quây quần trò chuyện bên nhau.

Hay một kỷ niệm khác khiến chị Việt Anh nhớ mãi là được rủng rỉnh ngồi tâm sự với bạn thân vào cuối tuần bên dòng sông hiền hòa. "Chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện phiếm, chẳng làm điều gì cụ thể. Cảm giác ấy thật yên bình, ấm áp khi được kể cho nhau nghe mọi chuyện vui, chuyện buồn. Tất cả kỷ niệm ấy đều tươi đẹp và còn vẹn nguyên như mới diễn ra ngày hôm qua. Sau này giữa bộn bề cuộc sống, bất giác nhớ lại, tôi đều mỉm cười hạnh phúc và thấy đó là một liều thuốc tinh thần vô giá", cô gái Hà Nội trải lòng.

"Du học không phải màu hồng, số người thất bại không hề ít"

Sau 7 năm bôn ba ở nước ngoài, chị Việt Anh chọn về Việt Nam làm việc để được gần gia đình. Hiện chị đang là Phó Giám đốc phụ trách Media, Marketing và Sale cho một công ty tư vấn du học có tiếng. Dù làm trái ngành nhưng chị vẫn áp dụng được nhiều kiến thức đã được đào tạo vào công việc như: Quản trị doanh nghiệp, lên kế hoạch, làm báo cáo,…

Chị Việt Anh luôn cảm thấy may mắn, hạnh phúc trên chặng trình đã và đang bước đi. Với chị, việc ra nước ngoài học tập đã mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân. Tuy nhiên, du học không phải là bức tranh màu hồng mà còn nhiều góc khuất ít người biết tới. Bởi vậy, chị đã có vài lời khuyên gửi tới những bạn trẻ đang có ý định đi du học:

- Đầu tiên, bạn cần hiểu rõ về bản thân:

Đi du học phù hợp với người này nhưng không có nghĩa sẽ phù hợp với người kia. Việc bạn đi du học theo xu hướng, theo gia đình mong muốn trong khi bản thân chưa quyết tâm sẽ rất lãng phí thời gian. Tỷ lệ sinh viên không thành công sau khi đi du học không hề ít. Nhiều bạn ra nước ngoài bị sốc văn hóa, không hòa nhập được, nhớ gia đình,… Đi du học rất vất vả, không phải màu hồng như nhiều bạn nghĩ.

Ngoài ra, bạn phải tìm hiểu kỹ thông tin về quốc gia mà bạn muốn tới học tập. Chẳng hạn như văn hóa của họ ra sao, văn hóa có điểm gì khác biệt, lối sống của người dân thế nào?,… Nếu thực sự cảm thấy phù hợp và bản thân quyết tâm thì hãy theo đuổi. Bởi khi quyết tâm cao độ mới vượt qua được khó khăn. Còn nếu bạn chỉ đi theo sự khích lệ từ gia đình, đi theo lời khuyên nhủ của bạn bè thì khi gặp thách thức, bạn sẽ mất phương hướng, nảy sinh tâm lý chán nản và từ bỏ mọi thứ.

Nữ sinh Việt 2 lần dành học bổng toàn phần của chính phủ: Chọn đất nước mới lạ để du học, 4 năm sau nhận trái ngọt - Ảnh 7.

Chị Việt Anh cho biết, nhiều bạn trẻ bỏ dở việc học giữa chừng do chưa chuẩn bị tâm lý đối mặt với thách thức.

- Điều thứ hai, bạn cần chuẩn bị tinh thần:

Đã xác định xa gia đình để du học, bạn không được ngại khó, ngại khổ và tuyệt đối không được xấu hổ. Bạn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đề nghị mọi người giúp đỡ khi gặp khó khăn, không được giấu sự yếu kém của mình. Môn học nào không hiểu thì phải hỏi thầy cô, bạn bè ngay lập tức. Có thể hôm nay mình kém cỏi, còn hơn là kém cỏi mãi nếu không chịu hỏi mọi người.

Ngoài ra, bạn cần rèn luyện sự tự lập, chủ động trong học tập cũng như trong mọi việc. Bởi cuộc sống xa nhà không hề đơn giản, bạn phải tự tay làm tất cả mọi việc, dù là nhỏ nhất. Bạn cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản như: Cách sơ cứu, cách sử dụng thuốc, tự tạo kỷ luật cho bản thân,…

"Con người giàu có không phải ở tiền bạc mà giàu có bởi trải nghiệm. Hãy cố gắng trải nghiệm tối đa bởi nó sẽ giúp bạn trưởng thành, hiểu hơn về chính mình và khiến bản thân không hối tiếc. Đừng nên sống bằng trải nghiệm của người khác bởi đó là của họ, không phải là của bạn", chị Việt Anh nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật