A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số để nâng cao chăm sóc sức khỏe, điều trị cho bệnh nhân

Ngành y tế TPHCM đã có nhiều giải pháp chuyển đổi số giúp người dân dễ dàng tìm nơi khám, chữa bệnh phù hợp, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ trong lĩnh vực y tế và giải quyết nhiều vấn đề quản lý tài chính.

Chuyển đổi số để nâng cao chăm sóc sức khỏe, điều trị cho bệnh nhân

Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 dễ dàng theo dõi “sinh hiệu” của hệ thống tài chính bệnh viện nhờ ứng dụng HFS. Ảnh: Sở Y tế TPHCM cung cấp

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin cơ sở khám, chữa bệnh

Sở Y tế TPHCM cho hay, những năm qua, nhất là giai đoạn sau dịch COVID-19, nhiều vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý hành nghề y, dược trên địa bàn TPHCM như số cơ sở hành nghề y, dược ngày càng tăng cao. Hiện, thành phố có hơn 20.000 cơ sở hành nghề y, trong đó có hơn 99% là cơ sở tư nhân.

Những vấn đề khác gồm việc lấn sân của một số cơ sở làm đẹp (do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch đầu tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh) sang lĩnh vực y tế (do Sở Y tế cấp phép); người hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép được ghi trong giấy phép hành nghề; cơ sở hành nghề cung ứng kỹ thuật các dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật được cấp phép, không đăng ký người hành nghề; Quảng cáo trái phép, sai sự thật; cơ sở vi phạm, bị xử phạt hành chính thay đổi liên tục tên cơ sở, địa chỉ cơ sở; sự cố y khoa từ các cơ sở thẩm mỹ.

Với nỗ lực chuyển đổi dữ liệu giấy sang dữ liệu số của các phòng chức năng thuộc Sở Y tế, cùng với sự tham gia tích cực cung cấp thông tin của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, Cổng tra cứu thông tin hành nghề của Sở Y tế TPHCM đã triển khai thử nghiệm thành công.

Đây là một giải pháp hữu hiệu không chỉ giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin, tìm nơi khám, chữa bệnh phù hợp (chuyên khoa, loại hình cơ sở, chất lượng cơ sở…) mà còn giúp cán bộ, công chức Sở Y tế chủ động tra cứu thông tin có liên quan thuộc các phòng chức năng khác nhau.

Sở Y tế TPHCM kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp đơn vị chuyển từ thế bị động sang chủ động trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh.

Chuyển đổi số trong công tác quản lý tài chính bệnh viện

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết, hiệu quả đạt được khi triển khai thí điểm ứng dụng là nâng cao hiệu quả quản lý tài chính; tối ưu hóa nguồn lực và giảm chi phí; cải thiện khả năng dự báo tài chính và hỗ trợ ra quyết định chiến lược; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; tăng cường kiểm soát dòng tiền và quản lý công nợ.

Sở Y tế TPHCM cho hay, trong bối cảnh các bệnh viện công lập phải đối diện với nhiều thách thức trong công tác quản lý tài chính, việc phát triển một công cụ giúp cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện là rất cấp thiết.

Các bệnh viện công lập tự chủ tài chính rất cần một hệ thống có khả năng giám sát toàn diện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn để các nhà quản lý bệnh viện chủ động điều chỉnh chiến lược tài chính kịp thời.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, sau hơn 1 năm đặt hàng với ngân hàng, ứng dụng giúp cho ngành y tế, giám đốc bệnh viện có một công cụ quản lý tài chính tốt hơn.

Giai đoạn khởi đầu đã xong. Việc cần làm tiếp theo là sử dụng công cụ này sao cho hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật