A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các mô hình an toàn thực phẩm tạo hiệu ứng tốt

Nhằm triển khai hiệu quả việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), Hà Nội đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm, tạo hiệu ứng khá tốt khi đi vào thực tiễn.

Tuyến phố ATTP

Từ năm 2018, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được triển khai thí điểm tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đến nay, sau gần 6 năm triển khai, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia.

Nhìn chung “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng.

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các “tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đã giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm; Đồng thời huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành toàn thành phố cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của người kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Quận Cầu Giấy hiện có 11 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát với 247 cơ sở dịch vụ ăn uống và 10 cơ sở thức ăn đường phố

Quận Cầu Giấy hiện có 11 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát với 247 cơ sở dịch vụ ăn uống và 10 cơ sở thức ăn đường phố

“Đến nay, 100% cơ sở tham gia vào mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Nguyên liệu sử dụng tại các cơ sở này đều được kiểm soát, có nguồn gốc xuất xứ. Thời gian qua chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở tham gia vào mô hình này”, ông Phong cho hay.

Nhiều quận, huyện cũng đã chủ động mở rộng mô hình này nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm. Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên khẳng định, cùng với quyết tâm của thành phố nói không với thực phẩm “bẩn” và cơ sở kinh doanh không bảo đảm an toàn, mỗi năm, quận cố gắng tiếp tục xây dựng thêm tuyến phố đạt chuẩn “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”.

Khi Hà Nội có thêm nhiều tuyến phố như vậy sẽ không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống, nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại.

Mô hình tự quản lý bếp ăn tập thể trường học

Quận Thanh Xuân xây dựng và duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn từ năm 2019. Lãnh đạo quận cũng triển khai mô hình tăng cường kiểm ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn TP năm 2022-2023 được lựa chọn.

Trong năm học 2022 - 2023, 211/211 bếp ăn tập thể cơ sở giáo dục trên địa bàn đã được kiểm tra.

bếp ăn trường học sẽ được chú trọng đặc biệt

Mô hình an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học được các quận huỵện chú trọng đặc biệt

Với mô hình nâng cấp và duy trì tuyến phố kiểm soát ATTP tại phường Thượng Đình, hiện nay, quận Thanh Xuân thực hiện duy trì mô hình này với 29/29 cơ sở thực hiện 10 tiêu chí đảm bảo ATTP của Bộ Y tế.

Từ đầu năm 2023 đến nay, quận Thanh Xuân đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 4 tháng đầu năm, toàn quận đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt là hơn 288 triệu đồng.

Tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội các mô hình như: “Cảnh báo nhanh về ATTP”; Mô hình “ATTP tuyến phố văn minh”; Mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học; Mô hình cải thiện ATTP dịch vụ ăn uống tại 13 phường quận Bắc Từ Liêm; Mô hình đảm bảo ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại tuyến phố văn minh đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn…. đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, để thực hiện tốt các mô hình thi đua, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành. Năm 2022, quận đã kiểm tra 2.991 cơ sở. Qua đó, quận đã xử phạt 153 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 678,8 triệu đồng; Xử lý, tiêu hủy 21,5kg thịt lợn kém phẩm chất, 9.524 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, 1.420kg thực phẩm đông lạnh gồm ức vịt, cánh gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, 8.350 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc (trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là hơn 245 triệu đồng)... Nhờ đó, trên địa bàn quận không có ngộ độc thực phẩm xảy ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật