A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh nhân bị vi khuẩn hiếm "ăn mòn" cẳng chân

Các bác sĩ khoa Ngoại - Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Đ.C.T bị sốc nhiễm trùng - viêm mô bào đùi cẳng bàn chân phải do nhiễm vi khuẩn Aeromonas.

Bệnh nhân T vào khoa Ngoại - Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào thời điểm ngày thứ 5 sau khi bị vết thương bàn chân phải với các triệu chứng sốt cao, cẳng bàn chân phải nề đỏ, nổi phỏng nước.

Khi vào khoa điều trị tích cực, bệnh nhân đã trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hoại tử da và mô mềm cẳng bàn chân phải ngày càng tăng; Tổn thương có xu hướng lan lên vùng đùi, vùng thành bụng phải.

Phòng bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra
Phòng bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra

Sau khi nhập viện, làm các xét nghiệm, bệnh nhân T đã được các bác sĩ trong khoa hội chẩn với chẩn đoán: Sốc nhiễm trùng - viêm mô bào đùi cẳng bàn chân phải do nhiễm Aeromonas.

Quá trình điều trị, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh, hồi sức tích cực, chuyển khoa Ngoại - Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống mổ cấp cứu mở cân cẳng chân - bàn chân, cắt lọc tổ chức hoại tử, bơm rửa sạch.

Sau mổ ngày thứ nhất, các triệu chứng viêm vùng đùi, vùng hố chậu phải đã giảm, tổ chức đỡ nề đỏ, da bớt căng phồng và xuất hiện nếp nhăn trên da. Bệnh nhân tiếp tục điều trị bằng thay băng nhiễm khuẩn, cắt lọc hoại tử tại phòng tiểu phẫu. Ngày thứ 15 sau mổ, tổ chức hạt bắt đầu phát triển.

Sau hơn 1 tháng, bằng thay băng và cắt lọc tốt, tổ chức hạt phát triển tốt, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vá da mỏng. Khi tổ chức da liền tốt, bệnh nhân được cho ra viện sau 1 tuần. Tiếp đó, vùng da vá liền hoàn toàn, bệnh nhân có thể tập phục hồi chức năng cẳng bàn chân phải.

ThS.BS Hoàng Mạnh Hà - Phụ trách Khoa Ngoại - Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Vi khuẩn Aeromonas hydrophila (AH) là loại trực khuẩn gram âm, có khả năng gây bệnh nặng. Đây là loại vi khuẩn có thể gây ra lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho sức khỏe.

Nếu một người nào đó uống phải nước bẩn có vi khuẩn Aeromonas hydrophila hay do ngoại độc tố của chúng tiết ra, sau khi qua đường ruột chúng có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng huyết và suy đa phủ tạng, thường dễ xảy ra ở nhóm người đang bị suy giảm miễn dịch.

Nếu bị nhiễm qua vết thương ngoài da, vi khuẩn Aeromonas hydrophila xâm nhập vết thương gây viêm hoại tử da, cân cơ, cơ; Gây nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng với nguy cơ tử vong cao".

Cũng theo chuyên gia, với nhiễm khuẩn Aeromonas hydrophila, thông thường sẽ sử dụng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, khi vi khuẩn gây hoại tử diện rộng nếu chỉ điều trị kháng sinh thì không thể giải quyết hết vấn đề nhiễm khuẩn và hoại tử mô mềm. Do đó, các bác sĩ sử dụng phương pháp can thiệp tại chỗ, phẫu thuật cắt lọc hoại tử cho bệnh nhân.

Để chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân cần bác sĩ có chuyên môn về phần mềm và liền vết thương, có kinh nghiệm điều trị các loại nhiễm khuẩn nặng. Bởi nếu chỉ định không chính xác sẽ làm cho vùng hoại tử lan rộng và khó kiểm soát.

Để phòng bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra, các bác sĩ khuyến cáo mgười dân không nên hoặc hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn nhất là khi trên da bị vết thương, vết cắt, trầy xước, lở loét, mụn nhọt...

Nếu da bị tổn thương, mọi người cần xử lý sạch các vết cắt, vết thương làm rách da, mụn nhọt và vết trầy xước... bằng xà phòng và nước sạch; Làm sạch tổn thương, để khô ráo, băng che lại vết thương bằng băng khô, sạch cho đến khi lành.

Nếu vết thương sâu hoặc nghiêm trọng khác, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để xử lý vết thương đúng quy định. Trường hợp bị nhiễm nấm ở chân cũng phải được chăm sóc kỹ để tránh nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn Aeromonas hydrophila.

Ngoài ra, mọi người cần vệ sinh môi trường nước sinh hoạt, không để nước bị nhiễm bẩn, nhiễm độc; Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa vi khuẩn Aeromonas hydrophila xâm nhập qua đường tiêu hóa.

Người lao động cần sử dụng trang bị phòng hộ lao động phù hợp để bảo vệ, đặc biệt với những người làm nghề thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nước. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế để được phát hiện sớm, nên cấy máu và thực hiện các xét nghiệm cần thiết xác định vi khuẩn Aeromonas hydrophila.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật