3 phương pháp nuôi dạy con dễ dẫn tới thất bại, cha mẹ đặc biệt lưu ý
Bạn mắc phải bao nhiêu trong 3 kiểu dạy con sai cách sau đây?
Trở thành cha mẹ là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng có nghĩa bạn phải đối mặt với những thách thức và học hỏi những điều mới. Không có gì ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình này.
Nhiều cha mẹ luôn cho rằng trẻ con vô tâm, không thấy được những điều tốt đẹp của người lớn. Họ trách con cái nổi loạn, bất hiếu. Điều chúng ta bỏ qua là suy nghĩ ngược lại từ góc độ của đứa trẻ: Phương pháp giáo dục của mình có thực sự hiệu quả với đứa trẻ không? Con cái sẽ thực sự lắng nghe chứ?
Đừng quên rằng giáo dục trẻ là một quá trình hai chiều, tính cách, thói quen của mỗi trẻ là khác nhau và đặc điểm thể chất, tinh thần của trẻ ở các độ tuổi khác nhau cũng khác nhau. Vì vậy, cha mẹ không thể áp dụng một loạt phương pháp giáo dục mà họ cho rằng sẽ có tác dụng để quản lý con mình. Ngược lại phải liên tục điều chỉnh, thích ứng với những thay đổi của con.
Quá trình giáo dục con cái cũng là một quá trình mà cha mẹ chúng ta không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân. Vì vậy, cha mẹ hãy lưu ý 3 cách dạy con dễ dẫn tới thất bại sau đây để cải thiện kịp thời:
01. Cha mẹ mất bình tĩnh
Để biết một đứa trẻ có mối quan hệ tốt với gia đình hay không, bạn có thể nhìn vào tính cách của cha mẹ. Cảm xúc của cha mẹ chính là "phong thủy" tốt nhất cho một gia đình.
Nhiều phụ huynh có tâm trạng không tốt, xuất phát từ áp lực, sự bất mãn trong cuộc sống. Sau khi trở về nhà, họ trút hết những bất bình, oán giận lên con cái. Cũng có một số bậc cha mẹ giáo dục con với niềm tin "thầy nghiêm khắc tạo ra trò tốt" và để tạo nên ý chí kiên cường. Họ đâu biết rằng nếu con cái luôn bị quản lý hà khắc sẽ dẫn tới chán nản hoặc là bốc đồng, cực đoan, hoàn toàn khác với ý định ban đầu của cha mẹ.
Quả thực, không ai là hoàn hảo, ai cũng có lúc không thể kìm nén hoàn toàn cảm xúc của mình. Nhưng chúng ta phải biết rằng việc giáo dục trẻ không phải là việc có thể làm được trong một sớm một chiều mà nó thấm sâu vào từng ngày. Hầu hết các chi tiết hàng ngày của cuộc sống, từng lời nói việc làm của bạn đều có thể thay đổi quỹ đạo cuộc đời con.
Đúng là bạn cảm thấy thoải mái về thể chất và tinh thần khi trút bỏ những cảm xúc tiêu cực, nhưng sau đó thì sao? Khoảng cách giữa con và bạn ngày càng sâu hơn, điều này không những không giúp giải quyết được vấn đề mà còn khiến bạn phải dọn dẹp một mớ hỗn độn lớn hơn.
Vì vậy, thay vì tỏ vẻ trịch thượng và ra lệnh cho con cái, tốt hơn hết bạn nên suy nghĩ kỹ làm thế nào để giao tiếp tốt với con và giải quyết những vấn đề hiện tại. Khi tức giận hãy ra ngoài 5 phút. Đợi tâm trạng của bố mẹ và đứa trẻ ổn định lại, hãy quay lại nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng. Lúc này, trẻ đã dễ nghe lời mẹ hơn, dễ đạt được sự đồng thuận.
Nhiều người nói rằng họ cảm thấy không thể thay đổi tính khí thất thường của mình, sở dĩ như vậy là do bạn đã đặt trước những gợi ý tâm lý cho bản thân, nghĩ rằng "mình không thể thay đổi được". Hãy cố gắng nỗ lực, bạn sẽ thấy rằng việc kiểm soát cảm xúc không khó như mình nghĩ.
02. Đừng không ngừng nói đạo lý
Trước đây có một bản tin: Một đứa trẻ lén lấy trộm của bà nội 200 ngàn đồng để chơi game, sau khi bố mẹ cậu bé biết được, họ quyết định cho con dùng thời gian cuối tuần đi nhặt phế liệu kiếm tiền trả lại cho bà nội. Vào cuối tuần, bố mẹ sẽ cùng con nhặt và bán chúng cho các vựa tái chế. Đây là cách làm của những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa và khôn ngoan.
Người lớn vì sao lại thích nói đạo lý với con cái? Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chủ yếu, vẫn là vì chúng ta lười. Nói thì đơn giản, có miệng là nói được. Nhưng chúng ta lại xem nhẹ một thực tế: Nói thì dễ, làm mới khó. Để thực sự cho trẻ hiểu cách làm một việc gì đó, cha mẹ cần tự làm và hướng dẫn trẻ bằng các hành động. Ngay cả khi bạn nói với con mình 100 lần cũng không hiệu quả hơn việc để chúng tự trải qua thất bại và rút ra bài học.
Có một câu nói như này: Những lý luận trống rỗng sẽ không bao giờ có thể chạm đến trái tim của một đứa trẻ. Một sự giáo dục tốt cần có hành động từ chính cha mẹ. Nếu chỉ biết nói, rõ ràng sẽ không đủ sức thuyết phục, chỉ cần bản thân bạn làm tốt điều đó, bạn tự nhiên sẽ hình thành nên một môi trường tạo ra ảnh hưởng tốt đến con.
03. Đừng đóng vai nạn nhân
"Bố/mẹ làm việc từ sáng đến tối để kiếm tiền, nấu ăn cho con và chăm sóc cuộc sống hàng ngày của con. Bố/mẹ không phải chịu rất nhiều áp lực sao?"; "Mẹ đã dậy sớm để nấu món con thích, còn con thì sao? Con thật là đứa không biết ơn"; "Vì con mà mẹ không được đi đây đi đó"...
Chỉ cần nhìn vào những câu nói này, chúng ta có thể cảm nhận được sự nghẹt thở của đứa con. Cha mẹ nói điều này chỉ để nhấn mạnh rằng họ đã làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không thể nhận được sự thấu hiểu và biết ơn của con cái. Tuy nhiên, dùng phương pháp "khổ sở" gượng ép như vậy sẽ không mang lại tình cảm cho trẻ.
Bạn càng làm con cái sẽ càng xa lánh và chúng sẽ cảm thấy rằng cha mẹ đang đòi hỏi những điều kiện và phần thưởng cho lòng tốt của mình. Điều này sẽ chỉ khiến khoảng cách thế hệ ngày càng sâu sắc hơn, thậm chí dẫn đến đến hành vi nổi loạn của trẻ.
Đối xử tốt với trẻ là duy trì tình cảm gia đình, là sự quan tâm, yêu thương từ trái tim thay vì dùng nó như một con bài mặc cả để đe dọa hay thao túng đứa trẻ.