A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sóc Trăng: Không để thất thoát tài nguyên cát

Chia sẻ khó khăn với nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long về cát đắp nền làm đường cao tốc, tỉnh Sóc Trăng đề xuất và được phép thực hiện cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Từ đó, Sóc Trăng nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đối với các mỏ cát nằm trong quy hoạch khai thác, thông báo rộng rãi đến các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và tăng cường giám sát không để thất thoát.

Tăng cường quản lý trên 600 ha mỏ cát

Đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng, đã có 8 đơn vị đăng ký và được cấp phép trên 10 mỏ (mỏ cát biển khu B.1 gồm B1.1, B1.2, B1.3) với diện tích trên 600 ha, tổng sản lượng các mỏ trên 22 triệu m3. Từ khi khởi công ngày 29/6/2024 đến nay, các đơn vị đã khai thác đưa cát về đến công trình trên 136.853 m3, cơ bản giải quyết một phần khó khăn trong việc thi công đường cao tốc.

Sóc Trăng: Không để thất thoát tài nguyên cát

Tổ liên ngành của tỉnh Sóc Trăng kiểm tra việc khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn

Việc thực hiện cơ chế đặc thù, theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, các nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 nên không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Để bảo đảm khai thác khoáng sản hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực mỏ khoáng sản được cấp phép, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo thực hiện tốt việc lấy ý kiến cộng đồng người dân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của người dân đối với việc thực hiện chủ trương Nhà nước. Tỉnh chỉ đạo và thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép cho các đơn vị thi công khai thác, với quan điểm phát triển “bền vững”, “không vì phát triển ở vùng này mà làm ảnh hưởng đến tính ổn định và sự phát triển của vùng khác”. Do vậy, các mỏ cát đã cấp phép khai thác được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, cử đại diện tham gia cùng với cơ quan chức năng giám sát quá trình khai thác, vận chuyển đến các công trình dự án.

Đồng thời, để không xảy ra tiêu cực gây thất thoát tài nguyên, tỉnh Sóc Trăng thành lập 2 tổ liên ngành (gồm các sở, ngành có liên quan) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát; đầu tư, trang cấp, lắp đặt hệ thống camera giám sát phương tiện khai thác và vận chuyển, quản lý khai thác tại các mỏ. Tỉnh thành lập Tổ cơ động hoạt động kiểm tra, giám sát 24/24 giờ tại khu vực biển Sóc Trăng do Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm trách. Tổ tăng cường tuần tra kiểm soát các tuyến sông, đường thủy nội địa do Công an tỉnh thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản; vi phạm pháp luật giao thông đường thủy khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ xử lý các trường hợp vận chuyển, mua bán cát không rõ nguồn gốc; các trường hợp vận chuyển, mua bán cát không vào công trình theo hành trình đăng ký; việc tổ chức quản lý, điều hành khai thác, phân phối của nhà thầu, đơn vị khai thác; đối với nhà thầu, đơn vị thi công khai thác tùy theo mức độ vi phạm có thể xem xét đình chỉ khai thác hoặc rút giấy phép.

Quản lý hoạt động nạo vét luồng hàng hải cảng Trần Đề

Tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trên vùng nước cảng biển, luồng hàng hải từ Cục Hàng hải Việt Nam theo Nghị định số 57/2024/NĐ-CP, cụ thể là nạo vét luồng hàng hải cảng Trần Đề.

Sóc Trăng: Không để thất thoát tài nguyên cát

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp chủ trì cuộc họp về thực hiện việc quản lý hoạt động nạo vét luồng hàng hải cảng Trần Đề

Đây cũng là lần đầu tiên Sóc Trăng thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trên vùng nước cảng biển, luồng hàng hải. Tỉnh đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam có những hỗ trợ cần thiết cho tỉnh khi thực hiện dự án. Việc nạo vét luồng hàng hải Trần Đề liên quan cơ sở pháp lý thực hiện việc nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa; cơ quan tiếp nhận thực hiện dự án nạo vét, đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đường biển trên địa bàn tỉnh và các quy định khác có liên quan; nghiên cứu từng điều khoản để áp dụng cho phù hợp và trách nhiệm cụ thể của đơn vị để giao nhiệm vụ thực hiện nạo vét.

Báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã phối hợp với Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng lập, công bố thủ tục “Chấp thuận đề xuất thực hiện nạo vét đường thủy nội địa địa phương”, “Công bố khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ” và “Chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển”.

Ngày 5/9/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp chủ trì cuộc họp về thực hiện việc quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, khi thực hiện nạo vét luồng hàng hải cảng Trần Đề. Cuộc họp đã làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện dự án. Phó Chủ tịch Nghiệp kết luận, tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo đúng pháp luật, không để thất thoát tài nguyên.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan