A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chất lượng không khí Hà Nội liên tục ở mức xấu, đáng báo động

Sáng 29/11, dù đã 8h nhưng trời Hà Nội sương mù vẫn bao trùm, nhất là những khu vực ít có hoạt động thì sương mù đậm đặc hơn. Sương mù dày đặc đã khiến cho chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội xấu hơn.

Không khí trên địa bàn TP Hà Nội những ngày qua luôn hiển thị ở mức ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả người dân.

Các điểm quan trắc của Sở TN-MT trên địa bàn TP Hà Nội các sáng vừa qua để ghi nhận mức AQI cao, ở mức xấu.

Cụ thể như, vào sáng 28/11, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN-MT hiển thị chỉ số AQI là 225 - tương đương mức rất xấu, ảnh hưởng đến tất cả người dân.

Trong 16 trạm quan trắc của Sở TN-MT Hà Nội thì 7 trạm hiển thị AQI ở mức xấu (151-200), 7 trạm ở mức kém (101-150), hai trạm ở mức trung bình (51-100) và không có trạm mức tốt (0-50).

Trong đó, trạm ở đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm có AQI cao nhất 194 - tiệm cận với mức rất xấu; trạm 36 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm 184.

Trong các điểm đo của Đại sứ quán Mỹ, điểm tại Trường quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội ở Phú Thượng, quận Tây Hồ có AQI là 270, tức rất xấu.

Sương mù bao trùm Hà Nội trong nhiều ngày qua khiến chất lượng không khí rất xấu

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường lý giải những ngày gần đây xuất hiện tình trạng ô nhiễm bụi tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Thời tiết giao mùa, khô hanh khiến bụi phát tán rộng. Việc đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp của người dân ngoại thành cũng khiến tình trạng ô nhiễm thêm phức tạp.

"Chất lượng không khí đang có xu hướng diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội", Cục nhận định.

Các địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn thải, khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ, rác, phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường che chắn các công trình xây dựng, phun rửa đường để giảm lượng bụi phát tán ra môi trường.

Trong khi đó, liên minh châu Âu (EU) ghi nhận hơn 500.000 người chết vì ô nhiễm không khí vào năm 2021. Tuy nhiên, khoảng một nửa số ca tử vong có thể tránh được bằng cách giảm ô nhiễm xuống mức giới hạn theo khuyến cáo.

Các nhà nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết, nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn tối đa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là nguyên nhân dẫn đến 253.000 ca tử vong sớm. Ô nhiễm nitơ dioxide (NO2) liên quan đến 52.000 ca, trong khi phơi nhiễm ozone (O3) trong thời gian ngắn khiến 22.000 người chết.

Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius nhận định, những số liệu do EEA công bố cho thấy, ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề sức khỏe môi trường hàng đầu tại khu vực này. Các bác sĩ cũng đánh giá, ô nhiễm không khí là một trong những tác nhân gây chết người nguy hiểm nhất thế giới.

Nhưng số ca tử vong sẽ giảm nhanh chóng nếu các quốc gia thực hiện những biện pháp ứng phó cần thiết. Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2021, số trường hợp tử vong do PM2.5 tại EU đã giảm 41%. Khối gồm 27 quốc gia thành viên đặt mục tiêu giảm 55% đến cuối thập kỷ này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật