Vùng đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng đổi mới, phát triển
Với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sáng nay (5/11), tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô chính thức diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024.
Dự đại hội về phía Trung ương có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 |
Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐNH thành phố; Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; cùng các đồng chí lãnh đạo ban, sở, ngành thành phố; các đồng chí lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố lân cận.
Dự Đại hội còn có 250 đại biểu chính thức đại diện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Thủ đô. Trong đó có 101 đại biểu được chọn cử từ Đại hội các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức; 139 đại biểu được chọn cử từ các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và 10 đại biểu do Ban Chỉ đạo Đại hội thành phố chỉ định.
Dự Đại hội còn có 250 đại biểu chính thức đại diện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Thủ đô |
100% các xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn Nông thôn mới
Trình bày báo cáo chính trị tại đại hội, đồng chí Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.329 km2, có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn thành phố hiện nay gần 9 triệu người, trong đó có trên 107 nghìn người dân tộc thiểu số, thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,3% dân số toàn thành phố.
Đồng chí Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội báo cáo chính trị tại Đại hội |
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người dân tộc Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%; còn lại là các dân tộc thiểu số khác.
Đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ với trên 55.000 người chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao, chiếm 51% người dân tộc thiểu số toàn Thành phố.
Diện tích tự nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 33.458 ha, chiếm khoảng 10% diện tích thành phố. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội |
Mỗi dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội có phong tục, tập quán, sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng kế thừa và chịu ảnh hưởng của văn hóa các dân tộc khác nhưng tựu chung đều có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng với người dân tộc Kinh đoàn kết thống nhất chung tay xây dựng Thủ đô và đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Giai đoạn 2019 - 2024, thành phố đã bố trí nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2021 - 2030, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồndg bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới thành phố đã bố trí trên 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đoàn Thiếu nhi Thủ đô chúc mừng Đại hội |
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách đồng bộ, hiệu quả với các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo tại vùng đồng bào tộc thiểu số và miền núi. Học sinh, sinh viên được hỗ trợ giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện kịp thời, đầy đủ, công tác phối hợp gắn kết với doanh nghiệp theo nhiều hình thức tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Từ năm 2019 đến nay, các địa phương vùng tộc thiểu số và miền núi đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số với các ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí, may mặc, chế tác đá… Thành phố hỗ trợ cho trên 100 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức thu nhập hơn 50 triệu đồng/người/tháng.
Các đại biểu tham dự Đại hội |
Được thành phố quan tâm ưu tiên đầu tư, năm 2019, có 7/14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn Nông thôn mới thì đến năm 2021, 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước sớm đạt được mục tiêu này).
Với cách làm sáng tạo, khoa học, phù hợp nên các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông, lâm, thuỷ sản chiếm 28,5%; công nghiệp, xây dựng 39,5%; thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 32%. Thu nhập bình quân đầu người tăng đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 0,38%, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 0,2%.
Đồng chí Bùi Huy Giáp, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Vì phát biểu tham luận tại Đại hội |
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều mô hình phát triển kinh tế, sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả như: Chăn nuôi bò sinh sản, sản phẩm sữa, rượu, bưởi, chè, miến rong, cam, mật ong rừng, hoa mai trắng… Các mô hình phát triển du lịch: Khu du lịch Ao Vua, suối khoáng Tản Đà, Thiên Sơn - Suối Ngà, Khoang Xanh - Suối Tiên, Điểm đến du lịch bản Miền, Tuần Châu Sài Sơn… Mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số: Đội chiêng Mường, chuông Dao; dạy chữ viết của người Dao; học tiếng dân tộc Mường…
Công tác giáo dục - đào tạo, văn hoá, thông tin, truyền thông, khoa học công nghệ được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả rất tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tại vùng núi thuộc thành phố.
Toàn cảnh Đại hội |
Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số được giữ vững; Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Các phòng trào thi đua yêu nước được đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng, qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu được các cấp tuyên dương, khen thưởng.
Những kết quả rất tích cực và toàn diện trong công tác dân tộc của thành phố trong những năm qua cho thấy, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố, nhân tố then chốt và quyết định sự thành công là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của từng cộng đồng các dân tộc, sự linh hoạt, sáng tạo trong hành động của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đồng bào.
Giữ gìn tình đoàn kết, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố Hà Nội trong thời gian qua, đặc biệt biểu dương sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp sức cùng Nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố Hà Nội |
“Những thành tựu đạt được của thành phố Hà Nội trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III rất đáng tự hào, là quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đồng chí Y Thông nhấn mạnh.
Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, đồng chí Y Thông đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ về những công lao to lớn, những thành tựu đạt được đáng phấn khởi tự hào trong 5 năm qua, làm tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của địa phương mình, quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn.
Đồng thời, thành phố cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế của địa phương, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024 - 2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030 để tập trung triển khai thực hiện.
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng hoa chúc mừng Đại hội |
Ghi nhận, biểu dương và chúc mững những thành tích của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thời gian qua thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, chỉ thị, nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động tối đa nguồn lực của thành phố và các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô.
Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Đại hội nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Y Thông, Thứ Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng thời các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Đại hội |
Xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của thành phố. Trong quá trình thực hiện phải bám sát các chủ trương, đường lối của Trung ương, thành phố và tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của thành phố về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp, ngành cần tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị. Tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các của dân tộc trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng bức trướng với dòng chữ: "Cộng đồng các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội: “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển” |
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Ban dân tộc thành phố chủ trì tham mưu việc rà soát, điều chỉnh, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố. Đặc biệt lưu ý những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong công tác dân tộc được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024. Ban Dân tộc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về dân tộc; nghiên cứu biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác dân tộc.
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho các tập thể, cá nhân |
Các địa phương tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức chính trị, xã hội các cấp. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là ở các thôn, bản; thực hiện tốt chính sách pháp luật dân chủ ở cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân |
Đặc biệt, đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị: “Đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố tiếp tục giữ gìn tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. Sức mạnh đoàn kết phải được bắt đầu từ tình thương yêu trong mỗi gia đình, sự gắn kết các dòng họ, tinh thần tương trợ tối lửa tắt đèn có nhau giữa các hộ dân, kết nghĩa chia sẻ giữa các dân tộc. Tương lai ngày mai phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị hôm nay. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau vun đắp khát vọng vượt khó, phấn đấu làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương của mình”.
Đồng chí Hoàng Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội Thông qua Quyết tâm thư Đại hội |
Đồng bào các dân tộc thiểu số của thành phố ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp khen thưởng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội |
Để tiếp tục ghi nhận thành tích đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số, của các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc của thành phố Hà Nội, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tặng 5 Kỷ niệm chương; 6 Bằng khen cho tập thể, cá nhân; Chủ tịch UBND thành phố tặng 55 Bằng khen cho tập thể, cá nhân; Trưởng ban Dân tộc Thành phố tặng 120 Giấy khen cho tập thể, cá nhân.