A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiên phong chuyển đổi số trong công tác Đảng

Với tư duy “chuyển đổi số” và quyết tâm tìm tòi, sáng tạo, Hà Nội đã và đang tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đảng. Nhờ đó, hiệu quả, chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo được nâng lên; việc đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống ngày càng nhanh hơn.

Nắm bắt tâm tư cơ sở qua mạng xã hội

Việc lập các nhóm trên ứng dụng Zalo để trao đổi công việc đã trở nên phổ biến trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội và đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong đó, công tác Đảng cũng không ngoại lệ.

Tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), lãnh đạo phường đã lập một số nhóm Zalo chuyên ngành như: “Đảng ủy phường Phúc Xá”; “22 tổ dân phố”; “Công tác 197”. Mới nhất là nhóm “Công tác phòng cháy, chữa cháy”...

Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Tâm cho biết: Xác định mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, định hướng, Đảng ủy phường đã duy trì kênh liên lạc trên các ứng dụng Zalo, Facebook để thường xuyên nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình; tuyên truyền chủ trương, chính sách trên từng lĩnh vực.

Mọi lĩnh vực của đời sống dân sinh, các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn đều được phản ánh kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành...

Tiên phong chuyển đổi số trong công tác Đảng

Hình thức họp trực tuyến giúp các đồng chí lãnh đạo TP lắng nghe nhiều ý kiến từ cơ sở, đồng thời giúp cơ sở tiếp thu các chỉ đạo một cách trực tiếp

Hiện nay, fanpage chính thức của phường có trang “Phường Phúc Xá” do các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường làm quản trị viên. Trang “Tôi yêu Phúc Xá” do lực lượng Đoàn Thanh niên và Công an phường làm quản trị viên.

Ngoài ra, từng đơn vị theo ngành dọc cũng có trang fanpage của mình, như: “Tuổi trẻ Phúc Xá”; “Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phúc Xá”... “Các trang này thực sự đã đưa chúng tôi đến gần với người dân và ngược lại cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin để hiểu và phục vụ Nhân dân tốt hơn”, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá cho biết.

Không chỉ ở cơ sở, đối với cấp trên, ứng dụng mạng xã hội vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng đem lại hiệu quả cao. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, huyện đã thành lập một số nhóm Zalo như nhóm Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã, Bí thư chi bộ, cộng tác viên dư luận xã hội... Tất cả các nhóm đều có các đồng chí Thường trực Huyện ủy tham gia.

“Hai nhóm Zalo là Bí thư chi bộ và cộng tác viên dư luận xã hội mà chúng tôi thành lập hoạt động rất hiệu quả. Những phản ánh rất nhỏ của người dân như ngập chỗ nào cũng được các đồng chí ở cơ sở chụp ảnh gửi lên nhóm và được chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý ngay”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Cập nhật thông tin qua mã QR, sổ tay điện tử

Năm 2023, Sổ tay đảng viên điện tử được tích cực triển khai rông khắp trên cả nước. Tại Hà Nội, Đảng bộ quận Long Biên là một trong 10 đơn vị làm điểm trước khi “Sổ tay đảng viên điện tử” được triển khai rộng khắp trong toàn Đảng bộ TP Hà Nội. Không chỉ vậy, đây còn là đơn vị đi đầu trong ứng dụng phần mềm này vào công tác xây dựng Đảng, trước hết là đổi mới sinh hoạt chi bộ.

Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Nguyễn Xuân Long cho biết: Nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ quận Long Biên nên lãnh đạo Quận ủy cũng như Ban Tổ chức Quận ủy có thể theo dõi tình hình tổ chức sinh hoạt chi bộ hằng tháng, số lượng đảng viên tham gia, kiểm tra đánh giá chất lượng các văn bản liên quan, nhất là dự thảo nghị quyết chi bộ.

Tiên phong chuyển đổi số trong công tác Đảng

Các cuộc họp giao ban giữa Thường trực Thành ủy với quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được truyền trực tiếp tới các điểm cầu

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Long, mỗi địa bàn, cơ sở lại có đặc thù riêng nên nghị quyết sinh hoạt chi bộ cũng phải khác, không thể rập khuôn, hình thức.

“Trước đây, muốn xem tài liệu của chi bộ, chúng tôi phải liên lạc và đề nghị gửi email hoặc trực tiếp xuống lấy bản in nhưng nay qua ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” chúng tôi cùng lúc có thể xem được dự thảo nghị quyết của hơn 500 chi bộ của quận. Từ đó, nơi nào làm hình thức, nghị quyết không bám sát thực tiễn địa bàn, chúng tôi góp ý để Đảng ủy phường lưu ý chỉ đạo ngay. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên và quan trọng là chúng tôi có thể kiểm soát được việc này ngày càng tốt hơn”, Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên cho biết.

Cùng với Đảng bộ quận Long Biên, việc ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ đã được chỉ đạo triển khai đồng loạt trên toàn Đảng bộ TP. Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, tính đến nay có 442.970/475.880 đảng viên đã cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 102,43% so với số đảng viên đủ điều kiện và đạt 93,1% đảng viên trong toàn Đảng bộ TP. Ngoài ra, 12.734/16.762 chi bộ đã ứng dụng phần mềm trong sinh hoạt chi bộ, đăng tải 1.300 tin bài, 1.496 văn bản tài liệu...

Bên cạnh “Sổ tay đảng viên điện tử”, Ban Tổ chức Thành ủy đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc với 4 phần mềm, gồm: Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của ban; Đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng; Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Tiên phong chuyển đổi số trong công tác Đảng

Đoàn Thanh niên hướng dẫn đảng viên cao tuổi cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử

Tư duy theo tinh thần “chuyển đổi số” cũng tích cực diễn ra trong công tác tuyên giáo. Hiện nay, hầu hết các hội nghị do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, các đại biểu không còn phải cầm cả tập tài liệu in như trước, thay vào đó chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR để tải tài liệu về máy và sử dụng.

Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ từ lâu đã đi đầu trong phát hành Bản tin nội bộ hằng tháng theo hình thức quét mã QR, vừa nhanh, tiện lợi, vừa giảm phần lớn bản in, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí.

Ban Tuyên giáo Quận ủy Bắc Từ Liêm cũng đã cho ra mắt ấn phẩm “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm”, tích hợp cả bản in, đính kèm video clip, hình ảnh và cả phần âm thanh, tạo thuận lợi cho đảng viên cao niên tiếp nhận thông tin.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại. Đây là cơ hội vàng giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, thậm chí có thể đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, làm thay đổi cuộc sống của Nhân dân, tạo sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của doanh nghiệp.

Triển khai đồng bộ từ Trung ương tới TP

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ tính chất cấp thiết của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống xã hội.

Đối với Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu cụ thể yêu cầu phải tăng cường chuyển đổi số tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực sự văn minh, hiện đại. Đặc biệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tiên phong chuyển đổi số trong công tác Đảng

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo: Để “chuyển đổi số” thì phải có nhận thức đúng, tư duy đúng, bên cạnh đó, cần có dữ liệu, có phần mềm và có con người, có quyết tâm thực hiện.

Khó khăn và quan trọng nhất đối với chuyển đổi số trong công tác Đảng là nhập dữ liệu, nhất là cập nhật dữ liệu từ cơ sở. Nhập dữ liệu phải bảo đảm thời gian và tính chính xác. Ngoài ra, việc triển khai chuyển đổi số ở Hà Nội cũng như đảng bộ các tỉnh, TP trên cả nước cơ bản vẫn mang tính địa phương, nội bộ. Do đó, công tác chuyển đổi số rất cần được triển khai đồng bộ từ Trung ương.

“Trung ương cần ban hành các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn để các cấp ủy cấp dưới chuẩn hóa và tiến đến khớp nối đồng bộ, vận hành liên thông, thông suốt”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật