A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính tại Sở TN&MT

Sáng 18/5, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của đơn vị.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức tăng 7 bậc

Theo báo cáo của Sở TN&MT, thực hiện công tác CCHC, Sở đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày (giảm 3 ngày); Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày...

Đồng thời, rà soát, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó thực hiện rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện, liên thông hồ sơ, thực hiện cắt giảm thời gian thực hiện từ 30-50%.

Thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính tại Sở TN&MT

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại bộ phận Một cửa, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội

Đối với việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, Sở TN&MT đã áp dụng hình thức gửi văn bản và giấy mời theo hệ thống thư điện tử (hệ thống hoạt động trong nội bộ cơ quan đạt 100% truyền nhận văn bản qua mạng).

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cấp, hệ thống mạng LAN được hoàn thiện và duy trì sử dụng ổn định; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC được trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động theo hướng hiện đại; Hệ thống máy chủ, máy tính cá nhân, hệ thống mạng, hệ thống tra cứu TTHC… đã được đầu tư, toàn bộ hồ sơ hành chính giao dịch của tổ chức, công dân được xử lý, lưu vết trên phần mềm, quản lý trên một cơ sở dữ liệu chung.

Nhờ đó, kết quả triển khai công tác CCHC của Sở TN&MT năm 2022 tăng 2 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công (SIPAS) của Sở tăng 7 bậc so với năm 2021.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử bước đầu được thực hiện, hình thành phương thức làm việc mới hiện đại, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Sở đã triển khai thực hiện phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp, xây dựng và cung cấp 6 dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Sở.

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với kết quả CCHC

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng việc thực hiện CCHC, chuyển đổi số vẫn còn một số tồn tại như: Việc xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến nhiều hồ sơ trực tuyến hiện nay đều do công chức làm thay cho người dân khi đến nộp hồ sơ; Việc triển khai trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được người dân sử dụng do hồ sơ về đất đai (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có giá trị lớn, người dân chưa tin tưởng để giao cho đơn vị bưu chính.

Các trang thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, hiện đang bị xuống cấp cần bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp để triển khai các hệ thống thông tin dùng chung do TP triển khai. Hiện nay, Sở TN&MT chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin, chưa có cán bộ chuyên trách để làm công tác chuyển đổi số...

Thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính tại Sở TN&MT

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã trao đổi, đề nghị Sở TN&MT thông tin, làm rõ về các nội dung còn hạn chế, tồn tại như: Giải phpas cải thiện chỉ số CCHC còn thấp; Việc liên thông với các Sở, ngành trong ứng dụng công nghệ, dữ liệu, đặc biệt là quản lý dữ liệu đất đai; Giải pháp để cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến,…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, năm 2023, Sở TN&MT đưa ra một số giải pháp, trong đó tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động; Xác định rõ trách nhiệm cá nhân của trưởng phòng, đơn vị đối với kết quả và nhiệm vụ CCHC của Sở.

Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan; Sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong việc giải quyết các TTHC; Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý công việc qua hệ thống thông tin báo cáo và hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung của TP.

Triển khai hiệu quả mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại; Thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết công việc.

Cùng đó, Sở tiếp tục cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng do TP triển khai; Tập huấn lại kỹ năng cho cán bộ ở bộ phận Một cửa, tiếp công dân, trả lời đơn thư kiến nghị của công dân để cải thiện hình ảnh của cán bộ đối với công dân...

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, qua trao đổi cho thấy công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của Sở TN&MT đã được quan tâm, chú trọng, góp phần tích cực trong giải quyết các nhiệm vụ của Sở.

Tuy nhiên thực tế cho thấy chỉ số CCHC của Sở vẫn còn thấp, vì vậy Sở cần rà soát, đánh giá lại việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện; Công tác kiểm tra, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính; Chỉ số hài lòng của người dân; Đánh giá cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật