Sau động đất liên hoàn, Thái Lan lo tái diễn thảm họa sóng thần 2004
Trước lo ngại về thảm họa động đất, sóng thần như năm 2004 có thể xảy ra, Thái Lan yêu cầu 6 tỉnh ven biển tăng cường chuẩn bị ứng phó.
Động đất, sóng thần đổ bộ vào Ao Nang, tỉnh Krabi, miền nam Thái Lan sáng 26.12.2004. Ảnh: Wiki
Yêu cầu được đưa ra với 6 tỉnh ven biển Andaman - gồm Phuket, Krabi, Phang Nga, Trang, Ranong và Satun - trong bối cảnh nhiều trận động đất liên hoàn đã được ghi nhận tại các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - nơi từng gây ra thảm họa sóng thần 2004.
Thứ trưởng Nội vụ Thái Lan, bà Theerarat Samrejvanich, nhấn mạnh: “Không chấp nhận bất kỳ sự lơi lỏng nào trong kế hoạch ứng phó thiên tai”.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, Cục Phòng chống và Giảm nhẹ Thiên tai (DDPM), Cục Tài nguyên Khoáng sản và Cục Khí tượng Thái Lan tại Bangkok ngày 7.7 để thảo luận về công tác chuẩn bị ứng phó với động đất và sóng thần cho khu vực ven biển Andaman.
Thảm họa sóng thần năm 2004 từng cướp sinh mạng của gần 228.000 người thuộc 11 quốc gia từ châu Á đến châu Phi, trong đó có hơn 5.000 sinh mạng ở Thái Lan, khiến cả thế giới bàng hoàng.
Dù những cơn địa chấn gần đây chưa đạt đến mức nguy hiểm tương tự, nhưng dư âm của quá khứ vẫn là lời cảnh tỉnh rõ ràng cho các tỉnh ven biển như Phuket, Krabi, Phang Nga, Trang, Ranong và Satun - những nơi đang nằm trong “vùng đỏ” nếu thiên tai tái diễn.
Các địa phương này được lệnh phân bổ thêm ngân sách, củng cố nhân lực và trang thiết bị ứng cứu. Hệ thống cảnh báo động đất - sóng thần phải được vận hành liên tục 24/7, không để tình trạng thiếu thiết bị trở thành cái cớ trong thảm họa. Đặc biệt, các tuyến đường sơ tán, biển chỉ dẫn đến nơi trú ẩn sẽ được cập nhật và kiểm tra thường xuyên.
“Việc tập huấn phòng tránh và diễn tập sơ tán phải được thực hiện định kỳ. Khi thiên tai xảy ra, người dân không được phép hoang mang mà phải biết rõ mình phải làm gì, đi đâu” - bà Theerarat nhấn mạnh.

Ông Sumet Saithong, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên Khoáng sản, cho biết các trận động đất vừa qua tuy nhẹ và không đủ sức gây ra sóng thần, nhưng đó vẫn là dấu hiệu cảnh báo sớm.
Trong khi đó, ông Phasakorn Boonyalak - Tổng Cục trưởng DDPM - cho biết hệ thống cảnh báo sẽ tự động kích hoạt với các trận động đất trên đất liền từ 2,5 độ richter, và động đất dưới biển từ 5,0 độ trở lên.
Đặc biệt, hệ thống cảnh báo khẩn qua điện thoại di động toàn quốc sẽ được kích hoạt nếu động đất trên đất liền đạt từ 4 độ trở lên, và động đất dưới biển từ 6 độ trở lên - ngưỡng có thể dẫn đến nguy cơ sóng thần thực sự.
Cơ quan Thông tin và Truyền thông Thái Lan cũng được lệnh đảm bảo truyền tải chính xác, kịp thời các thông tin trong tình huống khẩn cấp. “Thông tin sai lệch chính là mồi lửa gây ra sự hoảng loạn không đáng có” - bà Theerarat cảnh báo.
Dù chưa có dấu hiệu trực tiếp nào về một trận sóng thần như năm 2004, nhưng sự chủ động của chính quyền Thái Lan cho thấy thiên tai không chờ đợi ai. Trước đó, ngày 27.6, sáu tỉnh ven biển Andaman nói trên đã diễn tập ứng phó sóng thần.
Với địa lý sát rìa các vành đai địa chấn lớn từ Nhật Bản đến Indonesia, bất kỳ cơn rung chuyển nào ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương đều có thể là lời cảnh báo cho toàn khu vực Đông Nam Á.