A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quỹ tín thác zombie và trừng phạt Nga khiến thiên đường tài sản châu Âu lao đao

Liechtenstein - thiên đường tài sản của giới siêu giàu châu Âu - đang lao đao vì các lệnh trừng phạt Nga.

Quỹ tín thác zombie và trừng phạt Nga khiến thiên đường tài sản châu Âu lao đao

Các lệnh trừng phạt Nga khiến Liechtenstein (ảnh) đang gặp khó vì hàng trăm quỹ tín thác rơi vào bế tắc pháp lý. Ảnh: AFP

Liechtenstein - quốc gia tí hon giữa lòng châu Âu và được mệnh danh là “thiên đường tài sản” của giới siêu giàu - đang đối mặt khủng hoảng chưa từng có vì lệnh trừng phạt Nga.

Hàng trăm quỹ tín thác rơi vào tình trạng pháp lý bế tắc, bị đóng băng sau làn sóng từ chức ồ ạt của các nhà quản lý tài sản nhằm tránh vạ lây từ các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ các biện pháp trừng phạt tăng cường của Mỹ áp đặt từ năm 2024, vốn nhắm vào các thực thể có liên quan đến công dân Nga.

Dù phần lớn chủ tài sản không nằm trong danh sách trừng phạt - nhiều người sống tại Pháp, Italy hoặc UAE - nhưng việc các luật sư, ủy thác viên và giám đốc điều hành đồng loạt từ chức đã khiến hàng loạt quỹ biến thành "quỹ tín thác zombie" (zombie trust) - các quỹ hợp pháp nhưng không thể hoạt động.

Johannes Gasser, một luật sư tại thủ đô Vaduz của Liechtenstein tiết lộ: “Chúng tôi đang nói tới những "quỹ xác sống" trị giá hàng tỉ USD, và cho đến giờ vẫn chưa có lối thoát. Tôi chưa từng chứng kiến điều gì tương tự”.

Tình trạng này không chỉ dừng ở vài chục trường hợp riêng lẻ. Theo giới chức tài chính Liechtenstein, đã có ít nhất 350 quỹ rơi vào trạng thái "bị bỏ rơi", trong đó 85 quỹ hoàn toàn không còn người điều hành. Con số này có thể tăng lên tới 800 quỹ nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn.

Trước sức ép từ Mỹ về trừng phạt thứ cấp - nghĩa là xử phạt các tổ chức không trực tiếp liên quan đến Nga nhưng có giao dịch với người Nga, Liechtenstein buộc phải chọn cách “cắt đứt liên hệ” với khách hàng bị coi là rủi ro, theo khuyến cáo chính thức từ cơ quan quản lý tài chính nước này hồi tháng 9.2024.

Hệ quả là hàng loạt tài sản giá trị cao, từ du thuyền, máy bay riêng, biệt thự đến các văn phòng gia đình bị đóng băng giữa chừng, không thể giao dịch, không có ai chịu trách nhiệm pháp lý. Chính phủ Liechtenstein đã lập nhóm đặc nhiệm để giải quyết khủng hoảng, nhưng Bộ Tư pháp thừa nhận việc tìm người thay thế ban điều hành và xử lý tài sản là hết sức khó khăn.

Một yếu tố đáng lo khác là áp lực từ cả hai phía. Luật sư Johannes Gasser cảnh báo: “Không chỉ Mỹ, giờ đây Liechtenstein còn đối mặt với sức ép ngầm từ Nga - rủi ro kép chưa từng có, đến từ hai cường quốc đều đủ khả năng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nga gọi các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo các biện pháp đáp trả có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chính nền kinh tế phương Tây. Trong khi đó, giới ngân hàng và pháp lý Liechtenstein lo ngại khủng hoảng quỹ tín thác có thể lan sang lĩnh vực ngân hàng, làm suy yếu vị thế toàn cầu của nước này trong ngành quản lý tài sản, vốn nổi tiếng về độ tin cậy và khả năng miễn nhiễm với biến động địa chính trị.

“Điều này đang trở thành vấn đề nghiêm trọng với trung tâm tài chính Liechtenstein - một nghị sĩ cảnh báo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật