Phân tích, đánh giá, cho ý kiến vào các định hướng phát triển của thành phố
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể vào định hướng và các giải pháp trọng tâm phát triển TP như: Không gian đô thị trung tâm, các TP phía Bắc, phía Tây Thủ đô; Các trục không gian của TP; Đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; Nghiên cứu định hướng Sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội...
Sáng 26/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 12 để thảo luận cho ý kiến vào 5 nội dung quan trọng, mang tính định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của TP.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị |
Nghiên cứu các định hướng phát triển của TP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh và gợi ý một số nội dung.
Trong đó, về định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), Bí thư Thành ủy cho biết: Mặc dù nhiệm vụ Đồ án đang trình Thủ tướng Chính phủ, song để đảm bảo tiến độ triển khai lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thống nhất, đồng bộ với tiến độ báo cáo Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để triển khai lập các quy hoạch cấp dưới (như: quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch vùng huyện…) trong thời gian sớm nhất; Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065)
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là các định hướng chính như: Nghiên cứu điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm); Nghiên cứu định hướng Dự báo dân số; Định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các TP phía Bắc, phía Tây của Thủ đô; Nghiên cứu định hướng các trục không gian của TP; Định hướng Phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; Nghiên cứu định hướng Sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía nam TP Hà Nội; Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…
Đây sẽ là cơ sở để Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu trong quá trình nghiên cứu, lập, thẩm định và phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị |
Định hình Thủ đô trong 30 năm tới
Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 1 năm qua, công tác tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện khá bài bản, công phu, đảm bảo các bước theo quy trình và quy định của Luật Quy hoạch; Đã tổ chức học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số cơ quan, địa phương như: Bắc Giang, Hải Phòng, Viện Chiến lược và phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Đồng thời, TP đã tổ chức tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, văn hóa, tổ chức không gian; Đặc biệt đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp TP với chủ đề: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Trên cơ sở đó, Ban cán sự Đảng UBND TP đã xây dựng dự thảo Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, bàn sâu về: 4 nguyên tắc lập Quy hoạch; 4 tư tưởng, triết lý; 5 nhóm quan điểm phát triển Thủ đô với 20 quan điểm cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực; 3 phương án kịch bản phát triển và mục tiêu phát triển Thủ đô; 3 khâu đột phá (về thể chế, về phát triển hạ tầng, về nhân lực); 2 vùng động lực phát triển Thủ đô (tại khu vực TP Bắc sông Hồng và tại khu vực thành phố phía Tây); 8 phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực; 7 phương án và 6 giải pháp thực hiện quy hoạch.
“Đây là các nội dung hết sức quan trọng, định hình Thủ đô của chúng ta trong 30 năm tới, vì vậy, đề nghị các đồng chí dành nhiều thời gian nghiên cứu và tham gia ý kiến chất lượng để Ban cán sự Đảng UBND TP tiếp thu, hoàn thiện” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Góp ý trực tiếp vào các cơ chế, chính sách hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi)
Về báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, để các cơ chế, chính sách trong Luật đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô trong dài hạn, các đại biểu cần góp ý trực tiếp vào các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi; Tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới.
Trong đó, các đại biểu cần bàn kỹ, bàn sâu và thể hiện rõ quan điểm đối với 12 vấn đề Ban cán sự Đảng UBND TP trình xin ý kiến; Đồng thời, tiếp tục tham gia, đóng góp các ý kiến cụ thể về những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho TP trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển Thủ đô trong thời gian qua. Nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách tài chính - ngân sách, đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô; Cơ chế thu hút nguồn lực xã hội; Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè...