A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước sẽ được quyết định trong Kỳ họp thứ 7

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tới đây có rất nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước sẽ được quyết định trong Kỳ họp thứ 7

Quang cảnh cuộc họp giao ban của lãnh đạo Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội ngày 9.5.Ảnh: Quốc hội

Kiểm soát chặt chẽ quy trình, thủ tục

Sáng 9.5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã chủ trì cuộc họp giao ban của lãnh đạo Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hợp tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ các quy trình, thủ tục, nhất là công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 7.

Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 7 sẽ thông qua 10 dự thảo luật, 3 dự thảo Nghị quyết, 10 dự án luật bàn lần đầu để cho ý kiến. Công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 phải khắc phục cho được việc gửi tài liệu chậm. Theo đó, Chính phủ có báo cáo nào phải gửi ngay cho đại biểu Quốc hội, có báo cáo điều chỉnh, bổ sung lại gửi tiếp. Tiếp đó là các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

“Kỳ họp thứ 7 tiếp tục tăng cường, củng cố niềm tin, sự kiên định, tính chuyên nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các Phó Chủ tịch Quốc hội sẵn sàng bố trí thời gian ngoài giờ làm việc, kể cả thứ bảy, chủ nhật, với tinh thần tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó, đi đến cuối cùng là thông qua luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng” - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Bám sát chương trình, kế hoạch công tác năm 2024

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác.

Các cơ quan tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, tích cực, chủ động, tập trung cao độ và triển khai toàn diện các công việc để sớm hoàn thành chương trình, kế hoạch công tác năm 2024. Đồng thời, xử lý kịp thời, hiệu quả những công việc gấp, mới phát sinh.

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các Ủy ban, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp các nhiệm vụ và tiến độ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 và Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Về đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và các tháng tiếp theo năm 2024, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương Đảng, ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban hằng tháng của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Triển khai tích cực các nhiệm vụ và công việc khác trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội và trong Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội, tham gia ý kiến về các nội dung, đề án theo sự phân công, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tham mưu, phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình công tác quý II/2024, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ các nội dung thuộc công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 7.

Nghiên cứu kỹ lưỡng 2 dự thảo Luật có tác động lớn tới người lao động

Chiều 9.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 10 luật, cho ý kiến về 11 dự án luật, trong đó có dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đây là 2 dự án luật khó, nhất là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định trước khi trình Quốc hội, bởi đây là dự án luật có liên quan đến nhiều đối tượng, tới người lao động với nhiều vấn đề đáng quan tâm như rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, cách đây 2 ngày, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn về vấn đề cải cách tiền lương theo vị trí việc làm và việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cũng có nội dung liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương.

Sau Kỳ họp thứ 6, đây là lần thứ hai, Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo với lãnh đạo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, tại cuộc họp chiều 9.5, Ủy ban Xã hội sẽ thể hiện rõ chính kiến, phương án lựa chọn.

“Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án luật khó, cần có sự thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, đồng thời tính toán đến khả năng thực hiện” - ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan