A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm nghẽn trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở

Tại Tọa đàm khoa học về Giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII do Khoa Quan hệ lao động và Công đoàn, Trường Đại học Công đoàn tổ chức ngày 8.5, nhiều vấn đề thực tiễn trong xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS được trao đổi một cách thẳng thắn.

Những điểm nghẽn trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở

Ông Nguyễn Anh Thơ - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động. Ảnh: Kiều Vũ

Nhiều khâu của công tác cán bộ không được trao cho công đoàn thực hiện

Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch CĐ tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là một trong ba khâu đột phá được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Để đây thực sự là khâu đột phá thì rất cần giải pháp để tháo gỡ những “điểm nghẽn”.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cảnh - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang - thẳng thắn nêu ra 5 “điểm nghẽn”, gồm: Biên chế ít, chưa bố trí được cán bộ CĐ chuyên trách tại doanh nghiệp có đông CNLĐ; nhiều khâu của công tác cán bộ không được trao cho CĐ thực hiện; năng lực cán bộ CĐCS không đều, thấp, có tâm lý ngại học; không gian, thời gian dành cho hoạt động CĐ hạn chế; chế độ chính sách cho cán bộ CĐ còn hạn chế.

Ông Cảnh phân tích nguyên nhân có những “điểm nghẽn” trên là cán bộ CĐCS do người sử dụng lao động tuyển dụng và trả lương nên CĐ cấp trên khó can thiệp vào các khâu của công tác cán bộ CĐ trong doanh nghiệp. Công tác quy hoạch cán bộ CĐCS trong doanh nghiệp hầu như chưa được thực hiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực tiễn, chưa gắn với chức danh cũng như mặt bằng dân trí của cán bộ CĐ.

Hoạt động CĐ trong doanh nghiệp có nhiều khó khăn do tình trạng công nhân “nhảy việc” khá phổ biến nên rất khó quản lý thông tin của đoàn viên; một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự tạo điều kiện cho CĐ hoạt động. Phụ cấp cán bộ CĐCS giảm đã không khuyến khích được cán bộ công đoàn cơ sở tích cực tham gia công tác.

Cũng về chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS, khi phân tích về kỹ năng thu thập thông tin phục vụ thương lượng của cán bộ CĐCS một số nơi, ông Ngô Thế Anh - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đưa ra ví dụ: Khi thương lượng về chất lượng bữa ăn ca thì cần nắm bắt giá cả thực phẩm để có cơ sở đàm phán nhưng không phải cán bộ CĐCS nào cũng làm được. Ví dụ cho thấy việc nắm bắt các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình thương lượng, đối thoại còn sơ sài, thiếu tính logic thuyết phục hoặc chưa sát thực, phù hợp dẫn đến khi thương lượng, đối thoại không thành công…

CĐCS chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bằng những mô hình mới

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị, điều quan trọng là CĐCS phải thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo cho NLĐ. Trong đó cần có những mô hình mới.

Như tại đơn vị, CĐ đang quản lý 20 CĐCS với tổng số 2.240 đoàn viên/2.244 CNVCLĐ. CĐ chủ động tập trung nguồn lực xây dựng, triển khai nhiều mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ một cách thiết thực và hiệu quả trên tinh thần lấy nhu cầu của đoàn viên, NLĐ làm cơ sở để xây dựng nội dung hoạt động. Tại đây mô hình “tiết kiệm gửi góp giúp cho đoàn viên, NLĐ khó khăn” đã phát huy tính thiết thực, hỗ trợ được đoàn viên, NLĐ và nâng cao uy tín cho tổ chức CĐ.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động - cho rằng, cần có sự khen thưởng kịp thời, đúng tầm với các cán bộ CĐCS vì chỉ cần đàm phán, thương lượng thêm được điều lợi 1.000 đồng cho 1 NLĐ/tháng cũng đã rất thành công. Vì với tổng số NLĐ có trong mỗi doanh nghiệp hiện nay thì khi nhân lên sẽ thấy một con số rất lớn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan