A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyện thực hiện tốt lời chỉ dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà lý luận tài năng của Đảng và dân tộc, trong suốt hành trình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang, trọn đời vì nước, vì dân của mình, dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân, những người lao động niềm tin yêu và sự quan tâm đặc biệt.

Nguyện thực hiện tốt lời chỉ dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII tháng 12.2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Khi trái tim của người cộng sản kiên trung, nhân cách lớn Nguyễn Phú Trọng ngừng đập, là thời điểm các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động (NLĐ) cả nước đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.2019 - 28.7.2024).

Khi thông tin chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần được phát đi, đoàn viên, NLĐ cả nước đón nhận với tâm trạng bàng hoàng, mất mát, đau thương, xúc động, không ít người rơi lệ. Trong giờ phút đau thương này, những người làm cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ cả nước càng thấm thía những lời chỉ dạy sâu sắc và nguyện làm tốt những điều Tổng Bí thư mong muốn để góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Hướng mạnh về cơ sở để làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ

Đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp to lớn của Công đoàn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc cũng như sứ mệnh đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, mọi hoạt động của Công đoàn phải thực sự hướng về cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn sản xuất và đời sống của NLĐ. Công đoàn chủ động đi sâu nghiên cứu, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng lao động và những đòi hỏi bức xúc của cơ sở, tập hợp trí tuệ của công nhân, viên chức, lao động tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; tổ chức kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật và các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Chú trọng bảo vệ các chế độ, chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và môi trường lao động cho công nhân. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Trước yêu cầu mới, Tổng Bí thư giao nhiệm vụ: Công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, thu hút ngày càng đông đảo công nhân, viên chức, lao động tự giác gia nhập và tham gia hoạt động Công đoàn. Để Công đoàn có sức hấp dẫn đối với công nhân, viên chức, lao động, các cấp công đoàn phải thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, tạo điều kiện và tổ chức để họ phát huy tốt nhất quyền làm chủ của mình trong sản xuất, kinh doanh, công tác; coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo NLĐ tự nguyện tham gia công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn.

Chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, theo Tổng Bí thư, đó phải là tập trung xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, chăm lo, hỗ trợ toàn diện, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày. Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, NLĐ và gia đình của họ. Đặc biệt, trong Bài phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức Công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho NLĐ.

Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp chăm lo xây dựng giai cấp công nhân

Trăn trở với nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trước yêu cầu mới, trong các bài phát biểu tại 3 Đại hội Công đoàn Việt Nam, Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Công đoàn Việt Nam và các buổi làm việc liên quan đến công nhân, Công đoàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm và chỉ đạo các giải pháp Công đoàn tham gia xây dựng giai cấp công nhân. Tổng Bí thư yêu cầu: Công đoàn cần chăm lo làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, trước hết cần quan tâm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và trình độ các mặt của giai cấp công nhân, đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân, chăm lo lợi ích thiết thân của đội ngũ công nhân, lao động, nhất là về giải quyết việc làm, nhà ở, thu nhập, điều kiện lao động, BHXH, BHYT và các chính sách xã hội khác. Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền quan tâm đào tạo, đào tạo lại để công nhân, lao động có thể tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và tri thức mới. Tạo ra một phong trào học tập sôi nổi, thiết thực và hiệu quả trong công nhân, lao động, nhất là thế hệ trẻ; học tập gắn liền với lao động sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại. Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, NLĐ và tổ chức Công đoàn.

Trong xây dựng giai cấp công nhân thì cần chú ý đến sự phối hợp quan hệ giữa chủ - thợ để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ - thợ cũng như giữa chủ - thợ với Nhà nước; quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp với địa phương... Bởi lẽ, nước ta phát triển kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với việc thúc đẩy sản xuất phát triển thì phải chăm lo cho NLĐ, người công nhân - những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động công đoàn

Về nội dung hoạt động công đoàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Triển khai sâu sắc, toàn diện, thực chất các hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa NLĐ với tổ chức Công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ.

Để hoạt động công đoàn hấp dẫn, thấm sâu vào đời sống NLĐ, Tổng Bí thư gợi ý: Phương thức hoạt động công đoàn cần linh hoạt, không ngừng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, NLĐ; hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công đoàn, cần có giải pháp cụ thể đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ CĐCS. Coi trọng cải cách hành chính; kiên quyết chống quan liêu, bệnh hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn.

Hơn 55 năm hòa mình vào phong trào công nhân, công đoàn bằng cả hoạt động nghiên cứu lý luận và lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta một hệ thống những quan điểm, lời chỉ dạy sâu sắc, đồ sộ, có giá trị to lớn đổi mới và thúc đẩy sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam. Trong phạm vi một bài báo, tác giả chỉ nói được đôi điều trong những lời chỉ dạy của Tổng Bí thư, nhưng chắc chắn, trong mỗi cán bộ công đoàn chúng ta, đều có những suy ngẫm về trách nhiệm của mình để thực hiện tốt lời chỉ dạy đó. Muốn vậy, mỗi cán bộ công đoàn cần tiếp tục không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, đổi mới tư duy, tầm nhìn, hướng mạnh về cơ sở, phát huy dân chủ, liên hệ chặt chẽ với NLĐ, để làm tốt nhất sứ mệnh vẻ vang, nhiệm vụ chính trị mà mình đã lựa chọn, đó là đại diện cho NLĐ, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật