A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên nhân sạt lở bờ sông ở ĐBSCL thường xảy ra vào cuối mùa khô

Theo ghi nhận vào những ngày gần đây, nhiều địa phương như: Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ thông tin, chỉ trong tháng 5.2025 (tính đến ngày 20.5), trên địa bàn đã ghi nhận 3 loại hình thiên tai gồm: 3 đợt sạt lở bờ sông, 5 đợt mưa lớn kèm theo dông lốc, 1 đợt triều cường.

Đơn vị cấp thoát nước khắc phục sự cố đường nước do sạt lở ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

Đơn vị cấp thoát nước khắc phục sự cố đường nước do sạt lở ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

Về sạt lở bờ sông, Cần Thơ xảy ra 3 đợt trên địa bàn các quận/huyện Ô Môn, Thốt Nốt và Thới Lai với tổng chiều dài sạt lở là 106m. Các đợt sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đã làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà (4 căn nhà hộ dân và 1 lò làm bánh tráng), ảnh hưởng 2 tuyến lộ giao thông. Ước tổng thiệt hại trên 150 triệu đồng.

Sạt lở khiến phần sau của một số căn nhà bị cuốn xuống sông Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ảnh: UBND huyện Chợ Mới cung cấp

Sạt lở khiến phần sau của một số căn nhà bị cuốn xuống sông Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ảnh: UBND huyện Chợ Mới cung cấp

Tại An Giang, vụ sạt lở bờ sông vào ngày 18.5 trên địa bàn huyện Chợ Mới đã khiến 10 căn nhà ven bờ sông Ông Chưởng bị cuốn xuống nước. Đoạn sạt lở dài khoảng 70m, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2 tỉ đồng. Đoạn bờ sông nguy cơ sạt lở dài 200m.

Cũng trong tháng 5 này, tại tỉnh Hậu Giang đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ kênh Mái Dầm, bờ kênh Bào Bủng… thuộc địa bàn huyện Châu Thành, ảnh hưởng đến đường giao thông nông thôn. Ước tổng thiệt hại hơn 470 triệu đồng.

Lý giải về nguyên nhân sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Thiện - nhà nghiên cứu độc lập về ĐBSCL - cho rằng, nguyên nhân chính là do thiếu phù sa và thiếu cát. Mà đằng sau đó là do các đập thủy điện chặn phù sa và chặn cát từ thượng nguồn không về được hạ lưu và do hoạt động khai thác cát ở suốt dọc chiều dài dòng sông Mekong, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam.

Ngôi nhà ở địa bàn Cần Thơ bị sụp xuống sông Ô Môn. Ảnh: Tạ Quang

Ngôi nhà ở địa bàn Cần Thơ bị sụp xuống sông Ô Môn. Ảnh: Tạ Quang

Việc thiếu phù sa đã làm cho dòng nước trở thành “nước đói” do dư năng lượng nên dòng nước ăn vào bờ sông, đáy sông. Còn thiếu cát thì làm cho đáy sông bị sâu hơn, có nghĩa là làm cho bờ sông trở nên cao hơn, nặng hơn và sụp đổ.

“Chúng ta hình dung như thế này, tương ứng với một loại vật liệu bờ sông thì bờ sông phải có độ lài nhất định, gọi là mái dốc ổn định, để không bị sụp đổ. Đất bờ sông mà pha nhiều cát thì càng phải lài, phải thoai thoải mới không sạt lở. Bờ sông nhiều đất sét thì độ dốc cần thiết để ổn định nhỏ hơn bờ sông nhiều cát. Khi đáy sông bị hạ thấp do khai thác cát và thiếu nguồn cát về bù đắp thì nó đòi hỏi mái dốc phải mở rộng ra, vì vậy gây sạt lở”, ông Thiện cho hay.

Tại Cần Thơ, trong tháng 5.2025 (tính đến ngày 20.5), sạt lở làm cho 5 căn nhà bị sụp xuống sông hoàn toàn, ảnh hưởng 2 tuyến lộ giao thông. Ảnh: Tạ Quang

Tại Cần Thơ, trong tháng 5.2025 (tính đến ngày 20.5), sạt lở làm cho 5 căn nhà bị sụp xuống sông hoàn toàn, ảnh hưởng 2 tuyến lộ giao thông. Ảnh: Tạ Quang

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, sạt lở bờ sông ở ĐBSCL thường xảy ra vào cuối mùa khô, đầu mùa nước bởi vì cuối mùa khô là lúc mực nước dòng sông hạ thấp nhất, bờ trở nên cao nhất, nặng nhất trong năm. Cùng lúc đó thì nước phía thượng nguồn bắt đầu về và chảy mạnh ở dưới chân bờ sông, âm thầm cắt rỗng chân bờ bên dưới mà nhiều khi người dân sống ở bên trên không hề hay biết, cho đến khi khối đất không chân này trượt xuống sông mang theo nhà cửa, tài sản trên đó.

“Một điều cần lưu ý là không phải khai thác cát ở đâu thì chỉ sạt lở ở đó. Một khi đáy sông lớn như sông Tiền, sông Hậu bị hạ sâu và thực tế đã bị hạ sâu hơn 4-5m so với trước đây, thì nó sẽ rút đáy của sông nhánh ra. Đến lượt mình, các sông nhánh cấp một sẽ rút đáy của sông nhánh cấp 2, cấp 3, và theo đó sạt lở lan ra khắp nơi, kể cả ở những kênh rạch nho nhỏ”, ông Thiện nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật