A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năng lực của chính quyền Thủ đô phát huy nguồn lực đô thị

Cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở các cấp của chính quyền Thủ đô theo hướng sắp xếp lại bộ máy trên cơ sở phân định rõ hơn tổ chức của mỗi cấp chính quyền; khuyến khích sáp nhập và tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp của chính quyền Thủ đô ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực ở đô thị.

Đó là một trong các ý kiến của GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, diễn ra sáng nay (14/11).

Năng lực của chính quyền Thủ đô phát huy nguồn lực đô thị
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham luận tại hội nghị

Xây dựng nền hành chính Thủ đô pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại

Nêu quan điểm về việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô theo định hướng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện luật Thủ đô năm 2024”, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, chính quyền địa phương nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng là một bộ phận cấu thành bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Vì thế, xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô không thể tách rời với các định hướng tổng thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền Thủ đô là xây dựng nền hành chính Thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường: Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt” là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia” và là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước” (Khoản 2 Điều 2). Theo đó, một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.

Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của HĐND và UBND các cấp, nhất là cấp TP đối với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền Thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.

Theo đó, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền TP với chính quyền cấp quận, thị xã, TP thuộc TP giữa chính quyền quận, thị xã TP thuộc TP với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND (Điều 14).

Năng lực của chính quyền Thủ đô phát huy nguồn lực đô thị
Quang cảnh hội nghị

Cùng đó, nâng cao chất lượng thể chế những chính sách mới của Luật Thủ đô, đặc biệt là các chính sách mới trong sử dụng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ, công chức; trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; trong huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.;

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, áp dụng kỹ thuật lập pháp tiến bộ trong soạn thảo; tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành Luật Thủ đô, đặc biệt gắn kết với quá trình thể chế chính sách mới của Luật Thủ đô…

GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; trọng tâm là các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư và các thủ tục khác.

Trọng dụng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực mũi nhọn

Nhấn mạnh việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo các quy định mới của Luật Thủ đô, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng: Cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở các cấp của chính quyền Thủ đô theo hướng sắp xếp lại bộ máy trên cơ sở phân định rõ hơn tổ chức của mỗi cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, khuyến khích sáp nhập và tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp của chính quyền Thủ đô ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực ở đô thị.

Năng lực của chính quyền Thủ đô phát huy nguồn lực đô thị

Song song với đó, tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhận nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính;

Xây dựng cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp của các cấp chính quyền Thủ đô;

Đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của Nhà nước.

Một nhiệm vụ khác cần thực hiện là cải cách chế độ công vụ: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền Thủ đô chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức của các cấp chính quyền Thủ đô. Thể chế hóa cơ chế quản lý, chế độ chính sách mới đối với việc tuyển dụng, quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Luật Thủ đô quy định; có cơ chế chính sách ưu đãi để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đặc biệt đối với các lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững ở địa bàn Thủ đô.

GS.TS Trần Ngọc Đường cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số vận hành thông suốt hệ thống thông tin một cách thông minh nhằm tạo ra tri thức và thông tin mới trong hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan đơn vị, trong mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và công dân, giữa các đơn vị và các cấp chính quyền Thủ đô…

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật