Để hàng hóa Việt Nam ngày càng chinh phục thị trường các nước
Các thông tin về xuất khẩu 10 tháng năm 2024 rất tích cực, cho thấy hàng hóa của Việt Nam đã dần chinh phục được nhiều thị trường. Các doanh nghiệp trong nước ngày càng tự tin hơn về sản phẩm của mình, mạnh dạn khai thác thêm thị trường mới.
Điều đáng vui là ngoài những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như nông sản, hải sản, hàng dệt may, giày da, đồ gỗ... doanh nghiệp Việt Nam còn xuất khẩu những mặt hàng trước đây chỉ có nhập khẩu. Điển hình như tủ lạnh của Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu vào thị trường khó tính là Mỹ, Thaco xuất khẩu xe bus sang Philippines, VinFast xuất khẩu lô 1.000 ôtô điện tay lái nghịch đầu tiên sang Indonesia...
Các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, làm hài lòng người tiêu dùng khắt khe nên xuất khẩu sang Mỹ tăng 24,2%; EU tăng 16,4%. Nếu như trước đây hai từ “nhập siêu” gần như thường trực, thì gần đây được thay thế bằng “xuất siêu”. Riêng năm 2024, tính từ đầu năm đến nay, xuất siêu sang Mỹ tăng 26,9%, xuất siêu sang EU tăng 18,6%, xuất siêu sang Nhật Bản tăng 56,9%. Tính chung 10 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 23,31 tỉ USD.
Trước những tin tốt lành này, các cơ quan quản lý vẫn đưa ra cảnh báo không được chủ quan, luôn trong tư thế sẵn sàng để về đích cuối năm với mức tăng trưởng cao như 10 tháng đầu năm.
Một việc rất quan trọng đó là các cơ quan của Bộ Công Thương nắm bắt kịp thời các thông tin diễn biến thị trường để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nắm chắc thông tin để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường, điều này rất có lợi cho doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 và công tác tại Trung Quốc, ngày 6.11 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Quảng Tây. Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cần triển khai các hoạt động đàm phán, xuất khẩu thêm các mặt hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc.
Để có thêm thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại phải có hiệu quả, thực chất. Các cơ quan quản lý phối hợp với doanh nghiệp, các địa phương giới thiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam. Không chỉ xúc tiến thương mại mà còn kết hợp xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.
Tiếp tục khai thông các "điểm nghẽn" trong hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thủ tục để doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí. Đây chính là việc căn bản, đem đến lợi ích lâu dài, bền vững, tạo đà cho hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường các nước.