Loạt dự án vướng giải phóng mặt bằng, xây mãi không xong ở Hà Nội
Hà Nội - Hàng loạt dự án trên địa bàn thành phố "giậm chân tại chỗ" nhiều năm liền do vướng giải phóng mặt bằng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.448 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2013 và tiếp tục triển khai theo Luật Đất đai 2024, với tổng diện tích hơn 12.430ha. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp giữa hai luật đã phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh trên địa bàn quận Hoàng Mai có tổng mức đầu tư lên tới 3.354 tỉ đồng.
Dự án có tổng chiều dài gần 3,6 km. Thế nhưng đến nay, nhà thầu mới chỉ tổ chức thi công được khoảng 800m. Nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm tiến độ là vướng mắc về chính sách liên quan công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và vướng mắc liên quan đến nhà tái định cư.
Đến nay, dự án đã trải qua 4 lần điều chỉnh mốc thời gian bàn giao mặt bằng.
Nhiều công trình trên đường Tam Trinh chưa được tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho dự án. Ảnh: Hữu Chánh
Một dự án khác của Thủ đô cũng đang gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng là Dự án đường trục phát triển kinh tế phía Nam Hà Nội (tên cũ là Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây).
Tháng 4.2008, Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội được khởi công xây dựng. Đến năm 2018, dự án đã đưa vào khai thác 18,5km đoạn từ Hà Đông đến hết địa phận huyện Thanh Oai. Còn lại 23km chưa hoàn thành, trong đó có 14km thuộc huyện Ứng Hòa và 9km tại huyện Phú Xuyên.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, với 23km của dự án, hiện đã giải phóng mặt bằng được 20km; 3km còn lại (chủ yếu tại huyện Ứng Hòa) gặp khó khăn liên quan đến 23 hộ dân tái định cư.
Đường trục phía Nam đoạn qua huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã hoàn thành. Ảnh: Hữu Chánh
Đoạn tuyến qua địa bàn huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa đang được triển khai xây dựng. Ảnh: Hữu Chánh
Dự án đường Láng - Hòa Lạc kéo dài giai đoạn 2 đoạn qua huyện Thạch Thất cũng đang gặp khó khăn do sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Dù đã bàn giao 98,64% diện tích đất và hoàn tất 99,77% công tác di dời mộ phần, nhưng đến nay vẫn còn 10,9ha chưa được giải phóng mặt bằng...
Ghi nhận của Lao Động tại gói thầu số 8, đến nay, vẫn còn hai khu dân cư tại xã Đại Thịnh và Chu Phan (huyện Mê Linh) chưa bàn giao mặt bằng cho dự án. Tại gói thầu số 9, còn vướng mặt bằng tại ba khu dân cư ở xã Đức Thượng, Đông La (Hoài Đức) và xã Hạ Mỗ (Đan Phượng). Tại khu vực xây dựng cầu Hồng Hà, thuộc địa phận xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) và xã Văn Khê (huyện Mê Linh), nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Nhà xưởng và khu dân cư ở xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) chưa được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh
Mới đây, để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án.
Trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố; tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, phân loại cụ thể thành từng nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp tháo gỡ; báo cáo kết quả, trình Chủ tịch UBND TP xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án trọng điểm và dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương. Trong đó tập trung triển khai các dự án theo đúng tiến độ, khắc phục triệt để tình trạng "vốn chờ dự án", tránh để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đối với các dự án hết thời gian thực hiện đến cuối năm 2024, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày 30.6.2025; trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn năm 2025 để triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt.