A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạng Sơn xin bổ sung tiền đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Lạng Sơn - Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng gặp khó khăn pháp lý và tài chính đẩy địa phương vào thế "kẹt vốn".

Lạng Sơn xin bổ sung tiền đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng xin thêm vốn triển khai. Ảnh: Khánh Linh

Cao tốc đang thi công bị "kẹt vốn"

Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài gần 60km, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 5.500 tỉ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư thu xếp.

Dự án đi qua các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn, được kỳ vọng hoàn thiện kết nối Bắc Giang - Lạng Sơn và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, thúc đẩy kinh tế vùng biên.

Khởi công từ tháng 4.2024, dự án đã giải phóng hơn 84% mặt bằng, thi công được khoảng 50km và hoàn thiện phần lớn thiết kế.

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang được thi công kiểu “xôi đỗ“. Ảnh: Khánh Linh

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang được thi công kiểu “xôi đỗ“. Ảnh: Khánh Linh

Tuy nhiên, khi điều chỉnh tăng quy mô đoạn tuyến Tân Thanh - Cốc Nam từ 2 lên 4 làn xe, dự án vướng khó khăn lớn cả về pháp lý lẫn tài chính.

Trong văn bản gửi Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, theo Luật số 57/2024/QH15 (có hiệu lực từ 15.1.2025), các dự án PPP ở vùng khó khăn có thể tăng tỉ lệ vốn Nhà nước lên tối đa 70%.

Nhưng do dự án đã phê duyệt và thi công trước thời điểm luật có hiệu lực, nên không thuộc diện áp dụng theo điều khoản chuyển tiếp. Hồ sơ điều chỉnh hiện chưa đủ cơ sở pháp lý để trình HĐND tỉnh.

Về tài chính, tỉnh Lạng Sơn cho biết không còn khả năng bố trí thêm khoảng 2.700 tỉ đồng để nâng tỷ lệ vốn Nhà nước. Tỉnh đã dành 1.500 tỉ cho dự án trong giai đoạn 2021-2025, nhưng năm 2024 đã hụt thu 256 tỉ đồng từ đất và dự báo năm 2025 cũng tiếp tục khó khăn.

Phía nhà đầu tư - liên danh Đèo Cả và các đơn vị thành viên - cũng gặp trở ngại khi ngân hàng chỉ duyệt vay 2.300 tỉ đồng trong tổng cam kết 4.423 tỉ đồng ban đầu. Phương án tài chính ban đầu bị phá vỡ.

UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ làm rõ cơ sở pháp lý áp dụng tỉ lệ 70% vốn Nhà nước hoặc bổ sung điều khoản chuyển tiếp, đồng thời đề xuất Trung ương hỗ trợ thêm khoảng 2.700 tỉ đồng từ ngân sách để tiếp tục điều chỉnh và mở rộng tuyến ngay từ giai đoạn 1.

Cao tốc 11.000 tỉ hiện đang vướng nhiều vị trí mặt bằng. Ảnh: Khánh Linh

Cao tốc 11.000 tỉ đồng hiện đang vướng nhiều vị trí mặt bằng. Ảnh: Khánh Linh

Thi công chậm vì thiếu mặt bằng

Mặc dù dự án được kỳ vọng là “mắt xích cuối” trong trục cao tốc nối Hà Nội - Lạng Sơn, nhưng tiến độ thi công mới đạt 11,66% giá trị hợp đồng.

Theo báo cáo, dù từ tháng 3.2025 các nhà thầu đã tăng cường 239 nhân sự, 226 thiết bị và bổ sung 5 mũi thi công, nhưng tình trạng mặt bằng “xôi đỗ” khiến việc triển khai bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong số 497 hộ dân phải di dời, mới chỉ có 81 hộ bàn giao mặt bằng. Hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật như cột điện, đường viễn thông, tín hiệu đường sắt vẫn chưa được xử lý.

Ông Vũ Xuân Huy - Giám đốc Ban điều hành Công ty CP đầu tư ĐCT 559 - cho biết: “Chúng tôi đã huy động hơn 140 đầu xe máy, 400 kỹ sư và công nhân. Nhưng thiếu mặt bằng đồng bộ khiến việc tổ chức thi công rất khó khăn”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật