Đức tính rút 1.200 tấn vàng khỏi Mỹ giữa lúc giá vàng kỷ lục
Giữa lúc giá vàng liên tục tăng và cuộc chiến thuế quan, Đức đang cân nhắc rút số vàng trị giá 113 tỉ euro khỏi kho Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Giữa lúc giá vàng tăng, Đức muốn rút 113 tỉ euro vàng khỏi Mỹ. Ảnh: Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York
Theo tờ Telegraph, đây là một động thái chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh, xuất phát từ lo ngại về sự thất thường trong chính sách của Tổng thống Donald Trump và niềm tin ngày càng xói mòn vào vai trò “đối tác đáng tin cậy” của Mỹ.
Từ lâu, Mỹ được xem là nơi cất giữ vàng an toàn bậc nhất thế giới. Nhưng khi người cầm lái nước Mỹ có thể đảo ngược chính sách qua từng nhiệm kỳ, thậm chí từng dòng tweet, thì ngay cả những đồng minh lâu đời như Đức cũng phải đặt câu hỏi: Có nên tiếp tục gửi gắm “trái tim tài chính” của mình ở xứ sở cờ hoa?
Sau Thế chiến II, với thặng dư thương mại khổng lồ, Đức đã tích lũy một lượng vàng khổng lồ, phần lớn gửi tại các trung tâm tài chính lớn như New York (Mỹ), London (Anh) và Paris (Pháp).
Vàng không chỉ là biểu tượng của sức mạnh kinh tế mà còn là “phao cứu sinh” trong khủng hoảng. Dự trữ vàng ở Mỹ từng được xem là phương án tối ưu bởi có thể đảm bảo thanh khoản USD nhanh chóng trong các biến động tài chính toàn cầu.
Nhưng tình thế đã thay đổi.
Từ năm 2013, Đức đã âm thầm đưa hàng trăm tấn vàng về Frankfurt. Đến năm 2020, khoảng 337 tỉ euro vàng đã trở về quê hương. Giới chức Đức khẳng định đây chỉ là “đa dạng hóa rủi ro”. Nhưng sự thật không đơn giản như vậy.
Theo tờ Bild, các lãnh đạo cao cấp của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) - đảng có khả năng dẫn dắt chính phủ Đức tiếp theo - đang nghiêm túc bàn thảo việc rút toàn bộ dự trữ vàng khỏi Mỹ.
Cựu bộ trưởng của CDU trong chính phủ Đức, ông Marco Wanderwitz nhấn mạnh: “Tất nhiên, câu hỏi ấy lại được đặt ra”. Ông từng nhiều lần yêu cầu kiểm tra tận nơi kho vàng tại Mỹ - yêu cầu từng bị từ chối năm 2012.
Một quan chức khác, nghị sĩ Markus Ferber, thẳng thắn đòi Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank phải “đích thân đếm từng thỏi vàng và ghi lại kết quả”.
Mối lo này càng gia tăng sau khi ông Donald Trump áp thuế đối ứng diện rộng lên hàng hóa châu Âu - hành động bị xem như “đòn giáng” vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Không chỉ Đức, mà Hà Lan, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí Venezuela cũng từng hồi hương vàng.
Các ngân hàng trung ương mua vàng ở mức cao kỷ lục, trong khi niềm tin vào đồng bạc xanh bị bào mòn bởi lạm phát, chiến tranh thương mại, và rủi ro chính trị nội bộ Mỹ. Nếu các nước tiếp tục rút vàng khỏi Mỹ, hệ thống tài chính dựa vào đồng USD sẽ đối mặt với cú sốc lớn.
Trong bối cảnh đó đã xuất hiện nghi vấn liệu toàn bộ vàng của Đức có còn nằm nguyên vẹn tại New York? Khi Đức từng bị từ chối kiểm tra kho vàng dự trữ năm 2012, nhiều người bắt đầu nghi ngờ: Fed có đang cho thuê, cầm cố hoặc bán một phần vàng nước ngoài?
Vàng được cất giữ ở Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Ảnh: Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York
Dù sau này Bundesbank xác nhận đã kiểm toán và “tin tưởng tuyệt đối” vào Fed, nhưng sự thiếu minh bạch trong quá khứ vẫn để lại vết gợn trong lòng công chúng và chính trị gia Đức.
Động thái rút vàng không chỉ là bài toán tài sản, mà là lời khẳng định chủ quyền tài chính. Đặc biệt trong bối cảnh CDU đang đề xuất cải cách chi tiêu quốc phòng chưa từng có - đưa quân đội Đức trở thành lực lượng chủ lực trong an ninh châu Âu, độc lập hơn khỏi vũ khí và quân đội Mỹ.
Nếu Đức thực sự rút vàng khỏi Mỹ, lịch sử có thể sẽ ghi nhớ: cuộc đại hồi hương của vàng Đức chính là dấu hiệu đầu tiên của một cuộc chuyển giao quyền lực tài chính thế giới - từ tay Mỹ về một trật tự mới mà vàng, một lần nữa, giữ vai trò trung tâm.