Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, quá trình làm luật, cần hết sức cầu thị, lắng nghe các cơ quan, đối tượng chịu nhiều tác động trực tiếp, đối tượng gặp vướng mắc cần tháo gỡ, đảm bảo khả thi đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Sáng 12/8, phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là lần thứ 5 trong nhiệm kỳ này tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật. Phiên họp rất quan trọng để thảo luận về công tác lập pháp của Quốc hội, với số lượng lập pháp ngày càng tăng.
Theo chương trình xây dựng luật pháp lệnh trong nhiệm kỳ này và theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, trong 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật, đến giờ này Quốc hội đã hoàn thành 83,97%. Nhiệm kỳ này còn 3 kỳ họp thứ 8, 9 và 10, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội sẽ được các bộ, ngành, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội quan tâm và sẽ đạt được khối lượng công việc đề ra.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên họp này sẽ cho ý kiến 10 dự án luật đã thảo luận lần đầu, còn dự án Luật Phòng không nhân dân do chưa chuẩn bị kịp sẽ chuyển sang phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các dự án luật được xem xét tại phiên họp lần này thuộc nhiều lĩnh vực, được dư luận xã hội rất quan tâm. Trong đó, người lao động, công nhân rất quan tâm đến quyền, lợi ích của mình tại Luật Công đoàn sửa đổi. Hay dự án có tác động lớn tới người dân, doanh nghiệp như Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như Luật Di sản văn hóa sửa đổi, Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng được người dân quan tâm, nhất là Luật Phòng cháy , chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Các ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, vấn đề nào đã tiếp thu, chưa tiếp thu, lý do vì sao, còn vấn đề nào chưa thống nhất?...
“Dù một ý kiến nhỏ nhưng phải có giải trình, tiếp thu cặn kẽ, để đại biểu Quốc hội thấy việc đóng góp ý kiến của mình được tiếp thu, thẩm định chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu trong xây dựng pháp luật”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các ủy ban của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, tiến hành nhiều cuộc khảo sát, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các cơ quan họp nhiều cuộc, nhiều vòng để hoàn thiện các dự án luật, trình cho phiên họp chuyên đề pháp luật này.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần bám sát quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo, thống nhất từ khâu xây dựng, đúng như chương trình được Quốc hội thông qua. Đồng thời cần nghiên cứu tận dụng kết quả sau các cuộc hội đàm, hội thảo để hoàn thiện, sửa đổi các luật này.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, cần hết sức cầu thị, lắng nghe các cơ quan, đối tượng chịu nhiều tác động trực tiếp, đối tượng gặp vướng mắc cần tháo gỡ, đảm bảo khả thi đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Gần đây nhất Bộ Chính trị có ban hành quy định về kiểm soát quyền lực , phòng chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nghiêm túc quy định này. Ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị trong quá trình làm luật, cho ý kiến, cần thể hiện quan điểm, chính kiến khách quan, không né tránh nội dung, vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự kiến sang đầu năm sau sẽ tổ chức diễn đàn về pháp luật để bàn sâu hơn, kỹ hơn về công tác này, làm sao để nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu. Để làm được điều này, ông cũng mong có sự đóng góp của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà làm luật chuyên nghiệp.
Trong tháng 8 này sẽ có 2 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật và phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và một hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Do công việc rất nhiều, thời gian diễn ra ngắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ý kiến cần phát biểu ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào vấn đề, đảm bảo các ý kiến đạt chất lượng và sâu sắc.