A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khó lường phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm của bà Pelosi

Các chuyên gia nhận định phản ứng của Trung Quốc với chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan có thể mạnh mẽ "chưa từng có tiền lệ", nhưng khó leo thang thành xung đột quân sự.

Máy bay của Đài Loan tại một căn cứ không quân, ở Đài Đông, vào ngày 6/7. Ảnh: Reuters.

Máy bay của Đài Loan tại một căn cứ không quân, ở Đài Đông, vào ngày 6/7. Ảnh: Reuters.

Trong nhiều năm qua, Mỹ không còn lạ lẫm với những phản ứng giận dữ từ Trung Quốc đại lục về sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan. Tuy nhiên, vào tuần trước, lời cảnh báo của Bắc Kinh về chuyến thăm dự kiến của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan dường như đã khiến Washington dè chừng.

Sau báo cáo về kế hoạch của bà Pelosi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/7 tuyên bố sẽ đáp trả bằng "các biện pháp cương quyết và mạnh mẽ" nếu chuyến đi được tiến hành. Tuyên bố này tiếp tục được Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lặp lại hôm 25/7.

Kể từ đó, hàng loạt bình luận từ các quan chức Mỹ càng làm tăng thêm mối lo ngại, CNN nhận định.

Sự dè chừng nguy hiểm

Vào ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng quân đội nước này nhận định chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi "không phải một ý tưởng tốt vào thời điểm hiện tại".

Một ngày sau đó, bà Pelosi nhấn mạnh điều quan trọng là thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, nhưng từ chối thảo luận về kế hoạch chuyến thăm với lý do an ninh.

"Tôi nghĩ những gì tổng thống đang nói là có thể quân đội lo ngại máy bay của tôi bị bắn rơi hoặc một điều gì đó tương tự. Tôi không biết chính xác", bà cho biết.

Hôm 25/7, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đề nghị tham gia cùng bà Pelosi trong chuyến đi dự kiến.

"Bà Nancy, tôi sẽ đi cùng bà. Tôi bị cấm ở Trung Quốc, nhưng không phải Đài Loan. Hẹn gặp bà ở đó!", ông viết trên Twitter.

Trong khi đó, chính quyền Biden lo ngại rằng Trung Quốc có thể tìm cách tuyên bố vùng cấm bay đối với Đài Loan để ngăn chặn chuyến đi, một quan chức Mỹ nói với CNN.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters.

Bà Pelosi dường như đã đẩy chính quyền Biden vào thế khó. Vì kế hoạch về chuyến thăm đã được tiết lộ trước công chúng, bất kỳ quyết định trì hoãn hoặc từ bỏ nào đều có nguy cơ bị coi là nhượng bộ.

Chính phủ Trung Quốc không nêu cụ thể "các biện pháp mạnh mẽ" mà họ sẽ thực hiện, nhưng một số chuyên gia nước này cho rằng sẽ có hành động chưa từng có tiền lệ.

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: "Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng các biện pháp chưa từng có, biện pháp mạnh nhất mà họ từng áp dụng kể từ khi xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan".

"Nếu bà Pelosi tiếp tục chuyến thăm, Mỹ chắc chắn phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với phản ứng quân sự từ Trung Quốc. Tình hình giữa hai nước sẽ rất căng thẳng", ông nói.

Bà Pelosi không phải Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên đến thăm Đài Loan. Năm 1997, ông Newt Gingrich đã tới Đài Bắc chỉ vài ngày sau chuyến đi đến Bắc Kinh và Thượng Hải, khi ông cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu hòn đảo bị tấn công.

Theo ông Gingrich, phản ứng của Bắc Kinh khi đó là "sự bình tĩnh". Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai chỉ trích cựu chủ tịch hạ viện Mỹ, phản ứng của Bắc Kinh chỉ giới hạn trong ngôn từ.

Tuy nhiên, lần này nhiều thứ đã khác. 25 năm trôi qua, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều.

"Trung Quốc hiện rất khác so với khi ông Newt Gingrich đến thăm vào năm 1997", Drew Thompson, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với CNN.

Vào ngày 25/7, ông Gingrich đã cân nhắc quyết định của bà Pelosi và viết trên mạng xã hội: "Lầu Năm Góc nghĩ gì khi công khai cảnh báo chống lại việc bà Pelosi sẽ đến Đài Loan? Nếu chúng ta cảm thấy bị đe dọa đến mức thậm chí không thể bảo vệ một chủ tịch Hạ viện Mỹ, làm sao Bắc Kinh có thể tin rằng chúng ta sẽ bảo vệ được Đài Loan? Sự dè chừng rất nguy hiểm".

Thời điểm nhạy cảm

Trong khi đó, một số chuyên gia Trung Quốc có quan điểm cứng rắn đã cảnh báo về khả năng can thiệp quân sự của nước này.

Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập Global Times, gợi ý máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc (PLA) nên "tháp tùng" máy bay của bà Pelosi đến Đài Loan và bay qua hòn đảo.

Điều đó có thể khiến căng thẳng ở eo biển tăng lên đỉnh điểm.

Đài Loan tiến hành tập trận. Ảnh: Reuters.

Đài Loan tiến hành tập trận. Ảnh: Reuters.

Trong những thập kỷ gần đây, số lượng máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan tăng kỷ lục, nhưng cho đến nay các máy bay của PLA vẫn chưa tiến vào vùng trời của hòn đảo.

"Nếu lực lượng phòng vệ Đài Loan nổ súng vào máy bay chiến đấu của PLA, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả bằng cách bắn hạ máy bay chiến đấu của họ hoặc tấn công vào các căn cứ quân sự của hòn đảo", ông Hồ viết.

Tuy nhiên, chuyến thăm của bà Pelosi có thể diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm với Trung Quốc.

PLA đang kỷ niệm ngày thành lập 1/8, trong khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sắp sửa diễn ra vào mùa thu năm nay.

Điều đó có nghĩa Trung Quốc muốn đảm bảo sự ổn định và ngăn mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát trong thời gian này.

"Thành thật mà nói đây không phải thời điểm tốt để xảy ra xung đột quân sự. Việc ứng phó một cách hợp lý và không để xảy ra một cuộc khủng hoảng khác sẽ có lợi cho Trung Quốc", ông Thompson cho biết.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì họ làm sẽ được cân nhắc, tính toán. Chắc chắn họ sẽ cố gắng gây áp lực lên Đài Loan nhiều hơn, nhưng sẽ ngăn chặn những điều đặc biệt rủi ro, hoặc có nguy cơ dẫn đến tình huống không thể kiểm soát", ông nói.

Giáo sư Shi cùng đồng quan điểm rằng căng thẳng Mỹ - Trung khó có thể leo thang thành xung đột quân sự.

"Trừ khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát theo cách mà không ai có thể đoán trước, sẽ không có khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc", ông nói.

Song đến thời điểm hiện tại, ông Shi cho rằng khó có thể đoán được Trung Quốc sẽ làm gì.

"Đó là một tình huống rất khó đối phó. Thứ nhất, (Bắc Kinh) phải kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả chưa từng có. Thứ hai, họ phải ngăn chặn xung đột quân sự với Mỹ. Chúng ta không biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào cho đến phút cuối cùng", vị chuyên gia nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật