A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khách hàng thân thiết muốn giảm khí đốt Nga

Hungary, khách hàng thân thiết của Gazprom, đổ lỗi cho EU vì không chấm dứt tình trạng phụ thuộc khí đốt Nga.

Khách hàng thân thiết muốn giảm khí đốt Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Thủ tướng Hungary Viktor Orban thăm Nga ngày 6.7.2024. Ảnh: TASS

Tờ Euractiv dẫn lời quan chức cấp cao phụ trách an ninh năng lượng của Hungary, ông Csaba Marosvari, chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) vì không cung cấp đủ hỗ trợ để giúp các quốc gia nhỏ hơn, không giáp biển thoát khỏi khí đốt tự nhiên của Nga.

Ông Marosvari phát biểu tại hội nghị Gastech ở Houston (Mỹ) ngày 18.9 (giờ địa phương) rằng các quốc gia nhỏ hơn, không giáp biển, bao gồm cả Hungary, cần nhiều tiền hơn để cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Khoảng hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary đến từ Nga, nhưng áp lực đang gia tăng với quốc gia này cùng một số nước láng giềng nhằm đa dạng hóa nhanh hơn nữa để thoát khỏi nguồn năng lượng của Nga.

Ông Marosvari cho biết: "Trong khu vực của chúng tôi có những quốc gia nhỏ, thị trường nhỏ, ít người chơi quan trọng trên thị trường, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng và các dự án tháo gỡ nút thắt có thể tốn tới hàng trăm triệu euro - xét về mặt thị trường nhiên liệu thì không khả thi để thực hiện".

Theo ông Marosvari, động thái của Ủy ban châu Âu hướng tới tài trợ cho các dự án năng lượng xanh để chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã khiến một số quốc gia không tham gia.

"Do hậu quả của cuộc xung đột Ukraina, chúng tôi ngày càng chịu sức ép phải đa dạng hóa nhanh hơn khỏi nhiên liệu của Nga, nhưng họ từ chối cung cấp tiền để có thể làm điều đó" - ông nói thêm.

Hungary nhận được 4,5 tỉ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm từ Nga theo thỏa thuận kéo dài 15 năm với tập đoàn dầu khí Nga Gazprom được ký vào năm 2021.

Sau xung đột Ukraina, không giống như các quốc gia EU khác, Hungary nhanh chóng nhượng bộ trước yêu cầu của Nga về việc thanh toán khí đốt bằng rúp.

Dữ liệu từ Ủy ban EU cho thấy kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, EU đã giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu của Nga từ hơn 50% xuống còn 15% vào năm ngoái. Tuy nhiên riêng Hungary vẫn chưa giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Ngoài nguồn cung qua đường ống trực tiếp qua Ukraina, Hungary còn nhận khí đốt Nga qua TurkStream, đường ống dẫn khí chạy dưới Biển Đen đến lãnh thổ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó đến Bulgaria và Serbia.

Bulgaria không nhận bất kỳ khí đốt nào từ TurkStream nhưng theo một hợp đồng, nước này vẫn tiếp tục đảm bảo quá cảnh khí đốt đến Serbia, Hungary và Áo.

Ông Marosvari cho biết Hungary đã ký một số hợp đồng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngắn hạn với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ để giúp cắt giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp của Nga. Nước này cũng kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt và LNG qua đường ống quan trọng hơn trong tương lai.

Ông Marosvari nói: "Bạn không thể bỏ hết trứng vào một giỏ, điều này cũng đúng với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên".

"Nga đang cung cấp theo hợp đồng, đối với chúng tôi, họ đáng tin cậy nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi phải gắn bó với một nguồn cung duy nhất, vì vậy chúng tôi đã tiến hành chiến lược đa dạng hóa nguồn cung" - ông Marosvari cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan