A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huy động nguồn lực tư nhân xây dựng các trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam

Theo lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), ngoài chức năng phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông, trạm dừng nghỉ là nơi có thể kinh doanh dịch vụ.

Chính vì vậy, hầu hết các trạm dừng nghỉ được cơ quan có thẩm quyền định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa (huy động nguồn lực đầu tư tư nhân).

Huy động nguồn lực tư nhân xây dựng các trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh minh họa: Trần Tĩnh/TTXVN

Do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa được đầy đủ và rõ ràng, nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm khai thác đồng bộ với đường cao tốc.

Với việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 01/2023/TT- GTVT ngày 7/3/2023, hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, các chủ đầu tư đã đủ công cụ pháp lý để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, các nhà đầu tư phải có giá trị đề nghị trúng thầu, phải có đề xuất tổng chi phí thực hiện dự án (M1) không thấp hơn (m1) được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu; có đề xuất giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án (M2) không thấp hơn (m2) được xác định trong hồ sơ mời thầu; có đề xuất giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3) không thấp hơn giá sàn (m3) và cao nhất.

Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư cho các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, nếu triển khai theo kế hoạch triển khai tuần tự, thông thường, thời gian hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ mất khoảng 10 đến 12 tháng.

Tuy nhiên, để sớm triển khai đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ phục vụ các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã và sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, Cục Đường cao tốc Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư với tinh thần khẩn trương nhất, bám sát hướng dẫn tại Thông tư 01/2023/TT-BGTVT, triển khai đồng thời các công việc, sẵn sàng hồ sơ cho các bước tiếp theo, rút ngắn tối đa thời gian trong từng công đoạn.

“Trong trường hợp thuận lợi, không phát sinh các tình huống như: làm rõ hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu... thì khoảng giữa tháng 8/2023 (trường hợp chỉ định thầu) và khoảng giữa tháng 10/2023 (trường hợp đấu thầu rộng rãi) sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư”, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông nhìn nhận, khi thiết kế các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) đều có định hướng vị trí đặt trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, trạm dừng nghỉ có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nhờ các dịch vụ thương mại đi kèm, nên ưu tiên phương án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, không đưa vào hạng mục đầu tư sử dụng vốn của dự án cao tốc (vốn ngân sách).

Với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, rút kinh nghiệm từ triển khai giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ đồng thời với triển khai dự án. Đảm bảo khi các dự án cao tốc này đi vào khai thác sẽ có trạm dừng nghỉ đưa vào sử dụng đồng thời.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), tiêu chuẩn cao tốc quy định cứ 50-60 km có trạm dừng nghỉ bình thường và cứ 120 km có trạm quy mô lớn, nhà nghỉ. Chậm xây dựng các công trình này sẽ gây khó khăn cho lái xe và người tham gia giao thông khi cần ăn uống, vệ sinh, bơm xăng, kiểm tra lốp xe.

“Trạm dừng nghỉ không chỉ phục vụ hành khách, mà phải kinh doanh được mới hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cần tôn trọng những sáng tạo, đề xuất của nhà đầu tư về thiết kế, quy mô trạm. Những đoạn cao tốc địa hình đẹp, trạm dừng nghỉ cần là nơi ngắm cảnh, giới thiệu sản phẩm địa phương, quảng bá du lịch", ông Trần Chủng đề xuất.

Đánh giá về tính cấp thiết phải sớm đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các cao tốc, đa số các chuyên gia giao thông đều khẳng định cần làm gấp. Bởi, thời gian qua một loạt tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam dù đã hoàn thiện đưa vào khai thác như ở khu vực phía Bắc có Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Tuý Loan hay ở khu vực phía Nam có Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh, Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận... nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Cá biệt, tại tuyến cao tốc dài 200 km từ Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đi Dầu Giây (Đồng Nai) nhưng cũng không có trạm dừng nghỉ nào. Điều này gây khó khăn, phiền toái cho tài xế và hành khách.

Đặc biệt, các chuyên gia giao thông cho rằng, trạm dừng nghỉ với chức năng chính là phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đều chưa có trạm dừng nghỉ dẫn tới nhiều tài xế, hành khách đi cao tốc bức xúc khi phải tự biến mình thành "người kém văn minh" vì buộc phải dừng ở các đoạn dừng khẩn cấp để đi vệ sinh.

Chưa kể, đi kèm đó là nguy cơ tiềm ẩn khi xe hết nhiên liệu giữa đường, hay tai nạn khi dừng nghỉ trên cao tốc, vi phạm các quy định về giao thông đường bộ có thể bị xử phạt. Do vậy, cần phải sớm đầu tư để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia giao thông, đặc biệt là vấn để bảo đảm an toàn giao thông khi tránh hiện tượng phương tiện dừng đỗ trên tuyến để giải quyết nhu cầu cá nhân.

Thông kê của Cục Đường cao tốc Việt Nam, đến nay, mới có 7/41 trạm dừng nghỉ đã được hoạch định trong báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đưa vào khai thác; trong đó có 2 trạm trên cao tốc Bắc Giang - Hà Nội, 1 trạm trên đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình, 1 trạm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, 1 trạm trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên, 1 trạm trên cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây, 1 trạm trên cao tốc Bến Lức - Trung Lương.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ bố trí 36 trạm (khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59 km); trong đó gồm 7 trạm đã đưa vào khai thác và 2 trạm đang đầu tư, 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện.

Trong số 27 trạm chưa đầu tư, có 20/27 trạm được hoạch định quy mô khoảng 5ha/1bên, 7/27 trạm gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn hoạch định với quy mô khoảng 3ha/1bên, bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đường cao tốc. Toàn bộ các trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật