A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đi mới cho dự án đường bộ ven biển ở Hải Phòng sau 2 năm đóng băng

Hải Phòng - HĐND thành phố vừa thống nhất giao UBND thành phố thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn.

Hướng đi mới cho dự án đường bộ ven biển ở Hải Phòng sau 2 năm đóng băng

Dự án đường bộ ven biển đoạn đi qua Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Khôi

Vướng mắc từ dự án BOT

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT08) có điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thành phố Ninh Bình, điểm cuối tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiều dài toàn tuyến 109 km, quy mô 4 làn xe. Đoạn tuyến cao tốc CT08 qua Hải Phòng dài khoảng 21,7 km.

Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện 2 dự án: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt là Dự án BOT) và Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình (Km0 - Km19+645) bằng nguồn vốn đầu tư công (gọi tắt là Dự án mở rộng), có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 29,7 km. Trong đó, đoạn qua Hải Phòng là 20,7 km, đoạn qua Thái Bình là 9 km.

Các cầu: Văn Úc, Thái Bình và 9km tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thái Bình được đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 12 m, 2 làn xe. Tổng mức đầu tư 2 dự án trên 4.700 tỉ đồng (dự án BOT là 3.750 tỉ đồng, dự án mở rộng là 946,367 tỉ đồng). Đến nay, thành phố hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự án BOT đã thi công đạt khoảng 72,3% giá trị hợp đồng, dự án mở rộng đạt khoảng 53,34% giá trị hợp đồng.

Dự án BOT đạt 72,3% khối lượng. Ảnh: Hoàng Khôi

Dự án BOT đạt 72,3% khối lượng. Ảnh: Hoàng Khôi

Theo tiến độ, cả 2 dự án này hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhà đầu tư Dự án BOT gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến tiến độ dự án BOT rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án mở rộng (do dự án đầu tư công có nền đường mở rộng sang bên phải nền đường dự án BOT). UBND thành phố đã nhiều lần làm việc với nhà đầu tư để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và cũng đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành xem xét, giải quyết.

Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 25.1.2025, UBND TP Hải Phòng hoàn thiện phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc Dự án BOT ven biển và nâng cấp tuyến đường lên thành cao tốc. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, nhà đầu tư không thống nhất với phương án này và đề xuất chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.

Nâng cấp đường ven biển thành cao tốc 4 làn xe

Hiện nay, tuyến đường cao tốc CT08, đoạn qua địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình đã được khởi công xây dựng. Nhằm bảo đảm tính kết nối liên tục toàn tuyến, đồng bộ quy mô theo quy hoạch, UBND TP Hải Phòng thực hiện đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Hải Phòng và Thái Bình.

Quy mô đầu tư dự kiến xây dựng hoàn thiện cao tốc, với tổng chiều dài khoảng 31,8 km, 4 làn xe, rộng 24,75 m, vận tốc thiết kế 100km/h. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện 5 nút giao trên tuyến gồm: nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nút giao với tuyến đường bộ ven biển, nút giao Nam Đồ Sơn, nút giao đường huyện 212 và nút giao với tuyến đường Lạng Am - ven biển. Dự án xây dựng cầu Văn Úc 2 với chiều dài 2.217 m, chiều rộng mặt cắt ngang cầu 22,75 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe máy; cầu Thái Bình 2, với chiều dài cầu 1.116m, chiều rộng 12,25 m, 4 làn xe; 2 đường gom hai bên dọc tuyến cao tốc thuộc địa phận Hải Phòng gồm đoạn từ nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nút giao đường bộ ven biển 7 km và đoạn từ nút giao đường bộ ven biển đến cầu Thái Bình dài 11,7 km.

UBND Hải Phòng là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Hải Phòng và 9 km qua Thái Bình. Ảnh: Hoàng Khôi

UBND Hải Phòng là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Hải Phòng và 9 km qua Thái Bình. Ảnh: Hoàng Khôi

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.577 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh Thái Bình (phục vụ giải phóng mặt bằng 9 km trên địa bàn tỉnh). Thời gian thực hiện năm 2025 – 2028. Tuyến đường được kì vọng kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật