A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HSBC: Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia trong hút FDI tại khu vực, có thể tiến lên trong chuỗi giá trị

Không chỉ Mỹ đầu tư vào Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, phía Hàn Quốc cũng hưởng ứng khi một doanh nghiệp Hàn công bố sẽ mở rộng sản xuất chip với khoản đầu tư 1 tỷ USD đến năm 2025.

HSBC: Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia trong hút FDI tại khu vực, có thể tiến lên trong chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nền kinh tế của Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đặt nền móng cho đà phục hồi nhẹ với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến đạt mức 5,3% trong Quý 3, báo cáo của Ngân hàng HSBC nhan đề "Ánh sáng cuối đường hầm" cho biết.

"Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam", các chuyên gia HSBC nhận định.

Tháng 9 đánh dấu tháng đầu tiên xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tăng mạnh từ phía Trung Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp đã giúp giữ vững xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù không thể bù đắp cho nhu cầu vẫn còn yếu từ Mỹ và châu Âu.

Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng.

Mặc dù FDI đã giảm so với đỉnh năm 2017, một phần do bối cảnh tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn, Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia.

HSBC: Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia trong hút FDI tại khu vực, có thể tiến lên trong chuỗi giá trị - Ảnh 2.

Sức hút FDI của Việt Nam vượt xa các nước khác trong khu vực.

Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong 3 năm qua.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9 khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Biden công bố rằng các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Amkor và Marvell, có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, nhưng không chỉ Mỹ đầu tư vào Việt Nam – vài tuần sau, công ty Hana Micron của Hàn Quốc cũng hưởng ứng bằng việc công bố sẽ mở rộng sản xuất chip với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ đây đến năm 2025.

Ngoài sản xuất, dịch vụ vẫn là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Nhìn sơ bộ, các lĩnh vực có mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đều liên quan đến du lịch.

Xét trên diện rộng, ASEAN đã chứng kiến lượng khách du lịch quay trở lại khoảng 60-80% so với mức của năm 2019, trong đó tốc độ phục hồi của Việt Nam đang tiến gần đến mốc 70% trong tháng 9.

HSBC: Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia trong hút FDI tại khu vực, có thể tiến lên trong chuỗi giá trị - Ảnh 3.

Bất chấp một số biến động hàng tháng về dữ liệu du lịch, tính đến tháng 9, Việt Nam đã đón 8,9 triệu khách du lịch buộc các cơ quan quản lý phải nâng chỉ tiêu cả năm lên 13 triệu, từ mức 8 triệu trước đó. Trong bối cảnh mùa đông sắp diễn ra ở khu vực Bắc bán cầu và với quy định nới lỏng thị thực gần đây, Việt Nam có vẻ đang trên đà tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về du lịch.

HSBC nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đã thấy một số tín hiệu phục hồi vốn đang rất cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và du lịch.

Ngân hàng này duy trì dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2023 ở mức 5%, kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ trong Quý 4. Đồng thời đưa ra cảnh báo rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại.

"Xét tình hình tỷ giá USD-VND mạnh lên, chúng tôi loại bỏ dự đoán trước đó về đợt cắt giảm lãi suất cuối cùng 50 điểm cơ bản", báo cáo của HSBC cho biết.

HSBC: Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia trong hút FDI tại khu vực, có thể tiến lên trong chuỗi giá trị - Ảnh 4.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật